Nhịn ăn gián đoạn giúp giảm cân, sống thọ
Ăn trong giới hạn thời gian 6-8 giờ và kiêng ăn từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày có thể là bí quyết chữa trị nhiều căn bệnh.
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM-Mỹ) cho thấy phương pháp “nhịn ăn gián đoạn” này làm giảm huyết áp, hỗ trợ giảm cân và nâng cao tuổi thọ.
Bản phân tích dựa trên nhiều nghiên cứu ở người và động vật cho rằng các bác sĩ có thể “kê đơn” kiêng ăn như một phương pháp phòng ngừa hoặc điều trị bệnh béo phì, ung thư, tiểu đường và bệnh tim. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo bác sĩ cần theo dõi sát bệnh nhân trong suốt thời gian họ nhịn ăn gián đoạn, sau đó mới tăng dần thời lượng và tần suất nhịn ăn nhằm có được kết quả như mong muốn.
Nhịn ăn gián đoạn hoạt động như thế nào?
Nhịn ăn gián đoạn đã được nghiên cứu ở động vật gặm nhấm và người trưởng thành thừa cân để đánh giá khả năng cải thiện sức khỏe. Tác giả nghiên cứu Mark Mattson, Giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Johns Hopkins, cho biết nhịn ăn gián đoạn có hai loại: ăn trong thời gian hạn chế (ăn trong khung 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ mỗi ngày) và nhịn ăn gián đoạn 5:2 - tức là nhịn ăn 2 ngày/tuần (ngày nhịn ăn chỉ tiêu thụ 500 calo).
Theo Giáo sư Mattson, việc luân phiên ăn và nhịn ăn có thể cải thiện sức khỏe tế bào, chủ yếu là nhờ kích hoạt cơ chế trao đổi chất. Trong quá trình chuyển dịch cơ chế trao đổi chất này, các tế bào sử dụng hết kho dự trữ nhiên liệu vốn có và chuyển sang biến đổi chất béo thành năng lượng - nói nôm na là “bật công tắc” từ tích trữ chất béo sang tiêu hao chất béo.
Lợi ích đã được chứng minh
Một số nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy nhịn ăn gián đoạn có liên quan đến việc nâng cao sức khỏe trái tim, cải thiện chức năng nhận thức và kéo dài tuổi thọ. Đơn cử trường hợp của cư dân ở tỉnh đảo Okinawa (Nhật Bản), nơi nổi tiếng có tuổi thọ rất cao và chế độ ăn giàu dưỡng chất nhưng ít calo. Các tác giả cho rằng nhịn ăn gián đoạn có thể đã giúp họ ngăn ngừa béo phì - yếu tố ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch - và kéo dài cuộc sống.
Nhịn ăn gián đoạn còn được cho giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, ổn định lượng đường trong máu. Kết quả từ một nghiên cứu nhỏ năm 2018 cho thấy 3 người đàn ông mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đã có thể ngừng tiêm insulin sau khi giảm cân nhờ nhịn ăn gián đoạn - một phát hiện trái với quan niệm lâu nay cho rằng bệnh tiểu đường là không thể chữa được.
Nghiên cứu trước đó mà Giáo sư Mattson là đồng tác giả cũng chỉ ra rằng, chuyển dịch cơ chế trao đổi chất do nhịn ăn tạm thời có thể tăng khả năng chống stress bằng cách tối ưu hóa chức năng não và sự linh hoạt thần kinh, tức khả năng thích ứng của não với sự phát triển của một người trong suốt cuộc đời. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy người lớn tuổi áp dụng chế độ ăn kiêng hạn chế calo đã cải thiện trí nhớ ngôn ngữ so với hai nhóm khác không nhịn ăn.
Thậm chí, nhịn ăn gián đoạn còn cải thiện chức năng thể chất. Một nghiên cứu tiến hành đối với nam giới cho thấy nhịn ăn trong 16 giờ mỗi ngày đã giúp họ giảm mỡ và tăng cường khối lượng cơ bắp chỉ trong 2 tháng tập thể hình.
Hạn chế của phương pháp nhịn ăn gián đoạn
Nhóm nghiên cứu cho biết phần lớn các thử nghiệm lâm sàng tập trung vào những người trẻ tuổi và trung niên thừa cân, nên lợi ích và sự an toàn của nhịn ăn gián đoạn có thể không xảy ra với các đối tượng khác.
Hạn chế khác của phương pháp này là nó chắc chắn sẽ khiến người ta đói, trở nên cáu kỉnh và giảm khả năng tập trung. Lý do là khi não bị thiếu thức ăn, các hoóc-môn thèm ăn ở vùng dưới đồi - “trung tâm đói” của não - được giải phóng và có thể kích thích ăn nhiều hơn. Nhưng Giáo sư Mattson cho biết đây chỉ là “tác dụng phụ” tạm thời. “Bệnh nhân cần được tư vấn rằng cảm giác đói và cáu kỉnh chỉ xảy ra lúc đầu và thường biến mất sau 2-4 tuần vì cơ thể và não đã quen với thói quen mới” - ông giải thích thêm.