Nhìn lại tài năng 10 thần đồng bi kịch nhất lịch sử
Những cái tên như Aaron Swartz, Robert Peace chứng minh không phải thần đồng nào cũng thành công trong cuộc sống. Họ có thể rẽ sai lối và kết thúc trong bi kịch.
Theo Bách Linh/ Zing
Xem toàn bộ ảnh
Natalia Strelchenko (Na Uy) chịu số phận bi thảm do người chồng bạo hành, ghen tuông. Là thần đồng piano, Strelchenko ra mắt năm 12 tuổi và nhanh chóng nổi tiếng trên thế giới. Năm 2007, Strelchenko gặp John Martin khi biểu diễn chung. Sau khi Strelchenko ly hôn và Martin bỏ người vợ thứ hai, họ kết hôn, sống tại Manchester (Anh). Cuộc hôn nhân này không êm ấm. Martin trở nên bạo lực, muốn vợ từ bỏ sự nghiệp, chuyên tâm nội trợ. Cưới nhau được hai năm, gã sát hại vợ. Ảnh: Nataliastrelchenko.
Năm 1923, Walter Pitts chào đời trong một gia đình nghèo ở Detroit, Michigan, Mỹ. Thời nhỏ, Pitts thường xuyên bị đánh đập. Bố mẹ ông còn ép con bỏ học để đi làm kiếm tiền. Pitts thường trốn trong thư viện gần đó. Đến 12 tuổi, thần đồng tự học tiếng Hy Lạp, Latin, Toán, logic. Dù không tốt nghiệp trung học, năm 1943, Walter Pitts nhận bằng tiến sĩ từ MIT. Những ý tưởng của ông về điều khiển học và trí tuệ nhân tạo mở ra kỷ nguyên máy tính. Song những ý tưởng về não bộ và suy nghĩ của con người có thể giải thích bằng logic thuần túy phần lớn bị bác bỏ. Pitts trở nên nghiện rượu và qua đời vì bệnh xơ gan năm 1969. Ảnh: Science Photo Library.
Sergey Reznichenko bắt đầu học đọc từ năm 2 tuổi. 13 tuổi, thần đồng trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trên chương trình Brainiest Kid, phiên bản Nga. Có vẻ Reznichenko tài năng ở mọi lĩnh vực. Thần đồng viết thơ, giỏi toán, khoa học và theo học Kinh tế học tại ĐH Quốc gia Zaporizhzhya (Ukraine) khi mới 15 tuổi. Nhưng mọi chuyện không hoàn hảo như vậy. Mẹ của Reznichenko được cho là thành viên của một giáo phái cực đoan, tách con khỏi những người bạn cùng tuổi. Lên đại học, thoát khỏi mẹ, Reznichenko bắt đầu sử dụng chất kích thích, đắm mình trong thế giới ảo. Năm 2011, thần đồng trầm cảm, ngày càng ảo tưởng, luôn nghĩ mình là một vị thần rồi nhảy khỏi cửa sổ và thiệt mạng. Ảnh: Listverse.
Philippa Schuyler (Mỹ) sinh năm 1931. 4 tuổi, thần đồng có thể chơi nhạc Mozart và có IQ 180. Nhưng tài năng của bà nhanh chóng dẫn đến bi kịch. Mẹ bà thường xuyên đánh đập, không cho con chơi với người khác để tập trung luyện tập. Bà được các nhà phê bình trên thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, sinh ra trong gia đình mẹ là người da trắng, bố là người da đen khiến sự nghiệp âm nhạc của Schuyler đình trệ. Định kiến sắc tộc khiến bà không dám để lộ danh tính thật. Sau này, Schuyler từ bỏ piano, trở thành nhà báo và qua đời trong một tai nạn trực thăng. Ảnh: Wikimedia.
Brandenn Bremmer biết đọc khi mới 18 tháng tuổi. 3 tuổi, ông biết chơi piano. 10 tuổi, Bremmer tốt nghiệp trung học và vào đại học năm 11 tuổi. Trí thông minh cùng tài năng âm nhạc của thần đồng người Mỹ khiến nhiều người ấn tượng. Nhưng năm 2005, khi đang học ngành bác sĩ gây mê, Brandenn Bremmer chết trong phòng riêng do vết thương từ súng tự gây ra. Mọi người cho rằng ông tự sát. Nhưng gia đình cho hay Bremmer vẫn luôn vui vẻ. “Chúng tôi luôn tin con có thể lắng nghe nguyện vọng của người khác. Con ra đi để cứu họ”, mẹ thần đồng nói về mong muốn hiến tạng của con trai. Sau đó, nội tạng Bremmer được ghép cho người cần chúng. Ảnh: Gcpawards.
Barbara Newhall Follett (Mỹ) hứng thú với con chữ khi mới 3 tuổi. Năm 12 tuổi, Follett hoàn thành cuốn The House Without Windows. Cuốn sách được xuất bản, ngay lập tức trở thành sách bán chạy nhất. Sau khi cha mẹ ly hôn, thần đồng sống trong cảnh túng thiếu. Bà tiếp tục sáng tác rồi kết hôn. Năm 25 tuổi, bà cãi nhau với chồng rồi bỏ đi trong đêm. Kể từ đó, không ai còn nhìn thấy hay nghe tin tức về bà. Ảnh: Welt.
Ervin Nyiregyhazi sinh năm 1903 ở Budapest (Hungary) trong một gia đình cha lăng nhăng, mất sớm, mẹ độc đoán, chỉ biết lợi dụng tài năng của con. 3 tuổi, Nyiregyhazi biểu diễn tại cung điện Buckingham và các cung điện hoàng gia khác. 17 tuổi, Nyiregyhazi sang Mỹ, bắt đầu chuỗi ngày bi kịch khi liên tiếp thất bại rồi mắc chứng sợ sân khấu. Ông kết hôn 10 lần trước khi qua đời năm 1987. Ảnh: Virtuosobefore1950.
Năm 11 tuổi, mẹ của thần đồng người Anh Peaches Geldof qua đời vì sốc thuốc. Điều này như báo trước bi kịch cuộc đời Geldof. Cô thành công từ sớm, bắt đầu viết lách cho tạp chí Elle năm 15 tuổi. 16 tuổi, thần đồng đã là cây bút của The Guardian, The Telegraph, làm việc cho đài truyền hình, là người mẫu, cho ra đời dòng thời trang riêng. Nhưng Geldof cũng nghiện ma túy từ sớm, từng cai nghiện. Năm 25 tuổi, Geldof tái nghiện và qua đời vì dùng ma túy quá liều. Ảnh: AP.
Robert Peace (Mỹ) từng được gọi là “giáo sư” ở nhà trẻ. Tài năng của Peace ấn tượng đến mức từng có một CEO tặng thần đồng tờ séc trắng, có thể tự điền số tiền để chi trả cho toàn bộ việc học của mình. Robert Peace trúng tuyển ĐH Yale, theo học ngành Hóa Sinh. Tuy nhiên, Peace lại dùng tài năng của mình để buôn ma túy và bị bắn chết trong nhà kính trồng cần sa khi mới 30 tuổi. Ảnh: LA Times.
Năm 14 tuổi, Aaron Swartz tạo ra công cụ cơ bản RSS, cho phép người dùng đăng ký thông tin online. Thần đồng máy tính người Mỹ sinh năm 1986. Ở tuổi thiếu niên, Swartz được coi là nhân vật quan trọng trong thời kỳ đầu của Internet. Tuy nhiên, thần đồng này lại thích xâm nhập vào các hệ thống, lấy cắp thông tin rồi đăng tải công khai. Swartz từng hack JSTOR, phát hành 4,8 triệu tài liệu rồi bị chính quyền liên bang truy tố vào năm 2011. Người thân cho rằng chứng trầm cảm là nguyên nhân khiến Swartz hành động như vậy. Ảnh: Rollingstone.