Vào thời kì cuối của triều đại nhà Thanh (Trung Quốc), nhân vật nắm quyền lực thật sự không phải là đương kim hoàng đế Quang Tự mà là Từ Hi thái hậu. Với tầm nhìn hạn hẹp, cuộc sống lại xa hoa hoang phí, rất nhiều người cho rằng Từ Hi thái hậu là nguyên nhân khiến cho triều đình nhà Thanh trở lên mục nát.
Đứng trên bờ vực của sự diệt vong triều đại, rất nhiều người tại thời điểm đó đã cho rằng Trung Quốc cần nhanh chóng thực hiện cải cách, học tập những thành tựu khoa học tiên tiến từ phương Tây. Có như vậy, Thanh triều mới có cơ hội được cứu vớt trở lại.
Nhận thức được sự quan trọng của việc cải cách phát triển, 1 chính trị gia thời nhà Thanh tên Lý Hồng Chương đã nêu ra 1 chủ ý với Từ Hi thái hậu. Đó là xây dựng 1 đoạn đường sắt cho tàu lửa đi lại tại vùng Đông Bắc (Trung Quốc).
Lần đầu khi nghe đến ý kiến này, Từ Hi đã từ chối ngay vì cho rằng Đông Bắc là vùng chứa long mạch quốc gia, không thể động đến. Vậy nhưng, dưới sự thuyết phục đầy kiên trì của Lý Hồng Chương và các đại thần, cuối cùng Từ Hi thái hậu cũng đồng ý với thỉnh cầu này.
Năm 1881, sau khi đoạn đường tàu được hoàn thành, Lý Hồng Chương đã đặc biệt mời Lão Phật Gia đến tham gia lễ khánh thành đường tàu. Khi được mời ngồi lên tàu lửa để đi thử, Từ Hi đã phàn nàn rằng âm thanh phát ra từ toa tàu quá ồn ào. Do đó, Từ Hi đã hạ lệnh cho hạ nhân dỡ bỏ toa đầu tàu xuống và để cho... ngựa kéo cả đoàn tàu di chuyển! Yêu cầu khác người này của Lão Phật Gia vậy mà cũng được đáp ứng bởi không ai muốn đắc tội với người phụ nữ cầm quyền của Thanh triều này.
Và những suy nghĩ, yêu cầu quái gở của Từ Hi không chỉ dừng lại ở lần tham gia lễ khánh thành đường tàu ấy. Sau đó không lâu, theo thông lệ bao đời của triều đình nhà Thanh, Từ Hi phải đi đến Phụng Thiên để thực hiện lễ tế tổ. (Phụng Thiên: tên cũ của thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày nay). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tuổi tác của Lão Phật Gia đã cao nên các đại thần trong triều đã kiến nghị bà di chuyển bằng tàu lửa. Khi vừa đến nơi, Từ Hi đã đưa ra 3 yêu cầu kì lạ khiến cho trưởng tàu và toàn bộ nhân viên trên tàu phải choáng váng.
Yêu cầu đầu tiên đó là ra lệnh tất cả nhân viên phải xuống tàu để Lão Phật Gia được đi lên đầu tiên. Bởi Từ Hi cho rằng, bản thân có thân phận tôn quý trên vạn người. Nếu đội ngũ nhân viên và lái xe đều lên tàu trước thì chứng tỏ trong mắt họ không có vị thái hậu quyền lực này.
Điều đó thể hiện sự bất kính. Cuối cùng, đội ngũ nhân viên tàu lửa đành đáp ứng theo yêu cầu của Từ Hi. Sau khi bà ta lên tàu, nhân viên và cơ trưởng mới được đi lên để kiểm tra trang thiết bị và vận hành thử động cơ của tàu.
Yêu cầu thứ 2 của Từ Hi càng vô lý hơn, đó là yêu cầu lái tàu phải là thái giám. Bà ta cho rằng, những người đàn ông phục tùng bản thân chỉ có thể là thái giám (hoạn quan) chứ không thể là những người đàn ông thực thụ. Thế nhưng, những thái giám ngày đêm phục vụ Lão Phật Gia ấy lại đâu biết điều khiển 1 phương tiện tân tiến vào thời bấy giờ như xe lửa.
Sau một hồi hội ý đầy vất vả với Từ Hi, đội ngũ nhân viên mới có thể thuyết phục bà ta để lái tàu điều khiển tàu. Tuy nhiên, điều kiện là lái tàu phải ăn mặc giống như 1 thái giám để khiến vị thái hậu chuyên quyền của Thanh triều này được yên tâm! Và 1 lần nữa, đội ngũ nhân viên tàu lửa đành phải miễn cưỡng chấp thuận theo "yêu sách" của Lão Phật Gia.
Yêu cầu cuối cùng của Từ Hi có lẽ sẽ khiến cho lái tàu và đội ngũ nhân viên trên chuyến tàu đó cả đời cũng không thể quên được. Đó là ngoại trừ bản thân Từ Hi ra, tất cả những người xuất hiện trên chuyến tàu đều phải quỳ hoặc đứng trong suốt quãng đường di chuyển của tàu.
"Yêu sách" này của Lão Phật Gia đến từ thói quen được người người cung phụng, hầu hạ như khi ở trong cung. Hứng chịu hậu quả lớn nhất đến từ yêu cầu này của Từ Hi là cơ trưởng lái tàu hỏa. Người này đã phải đứng và lái tàu trong suốt quãng đường cho đến khi tàu đến điểm dừng ở Phụng Thiên.
Chuyến tàu lửa đầu tiên trong đời với những yêu sách đầy khó hiểu này của Lão Phật Gia càng khiến hậu thế xót xa cho số phận Đại Thanh thời bấy giờ. Bởi những suy nghĩ, tư tưởng quái dị và gây cười cho hậu thế này của Từ Hi thái hậu không chỉ xuất hiện trong lần đi tàu lửa này mà còn ở rất nhiều những sự việc khác. Thân là nhân vật nắm đại quyền của 1 quốc gia mà lại có tư tưởng thụt lùi thời đại, thậm chí còn hoang tưởng tự đại và thiển cận như vậy, chẳng trách lịch sử giang sơn hơn 200 năm của Đại Thanh đã bị Từ Hi chôn vùi trong tay.