Nhịn...nhục

Chị lại quẹt nước mắt, nói chỉ cần bình yên. Mọi sự đã nhịn 30 năm, giờ nhịn thêm nữa có sao đâu. Nhưng...

Chị quẹt nước mắt. Những giọt nước mắt của người đàn bà tuổi 50 sao mà đắng chát lòng kẻ đối diện đến vậy: “Em à, ông bà ta dạy “một sự nhịn chín sự lành".

Chị thuộc nằm lòng câu đó từ ngày bắt đầu làm dâu, làm vợ nhưng không ngờ suốt 30 năm nhịn không hề tìm thấy một chút “lành” mà đã thành “nhục” mất rồi em ạ! Chị không muốn nhịn nữa, nhưng con chị lại than, mẹ mà không nhịn ba, gia đình mình tan nát, nhìn tụi con vầy ai dám cưới, dám gả?”. Tôi xin trích một đoạn trong đơn ly hôn của chị (mà chị nhờ tôi viết) để thấy chị đã nhịn đến mức nào:

“…từ mười năm trở lại đây anh H. mỗi lần uống rượu say về là chửi mắng, đánh đập tôi rất nhiều. Là giáo viên nhưng anh chửi vợ bằng những lời rất tục tĩu. Lần gần đây nhất là ngày 25/3/2014, tôi về nhà cha mẹ ruột để dự đám giỗ bà nội thì trưa anh H. cũng theo về, vác ghế đánh tôi tại nhà cha mẹ tôi với lý do “Mày đi lấy trai hay đi đâu mà từ sáng tới giờ?”. Cha tôi tuổi 80 lập cập can ngăn, anh chửi cả ông là “Thằng già không biết dạy con. Đi đâu mà không lo cơm nước cho chồng?”. Người dự đám giỗ lên tiếng can gián, anh bảo: “Vợ tao, tao chửi. Thằng nào có tình ý gì với vợ tao hay sao mà ngăn cản?”. Tôi van xin anh, nếu không sống với nhau được nữa thì cho tôi ly hôn, chứ bao nhiêu năm chịu cực khổ cho cuộc sống gia đình, lại bị chồng đánh đập, chửi mắng thế này nữa thì làm sao tôi sống nổi? Anh trả lời: “Đ.M., tao sẽ hành hạ mày suốt đời chứ ở đó mà ly hôn”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chị bảo, chắc tại “trời trả báo” vì hồi đó chị cãi lời cha mẹ, quyết định lấy anh với niềm tin sắt đá là tình yêu sẽ hóa giải tất cả, dù lúc đó chị là giáo viên, anh làm nghề nông. Lâu dần công việc hoán đổi lúc nào không biết. Anh có khiếu thể thao, bạn bè khuyến khích đi học. Chị một vai gánh giáo án, vai kia gánh con cái, mẹ chồng già và ruộng vườn cho anh theo học cao đẳng để thành giáo viên thể dục. Anh ra lớp từ sáng sớm, để có thời gian trà nước cùng bạn bè. Chị dạy điểm trường xa hơn, nhưng phải đi muộn hơn, vì phải dậy sớm hơn nấu ăn để sẵn cho mẹ chồng. Cái thời đất nước còn thiếu thốn, khó khăn, điểm trường chị dạy đi ngang nhà ngoại, xúc thêm lon gạo gửi bà ngoại nấu, trưa về mấy mẹ con ăn chung. Mẹ chồng ho khúc khắc trong buồng bên nói vống: “Nhà này thóc cao gạo kém, nuôi con dâu, cháu nội chưa đủ, còn xúc cho anh chị sui nữa. Thiệt là con có hiếu”.

Chị đã biết nước mắt không chỉ có vị mặn từ lúc đứa con đầu lòng được ba tuổi, nhưng ráng nhịn để yên ấm nhà cửa. Nhịn vì danh dự của một cô giáo. Nhịn cho con có cha. Nhịn để người ta thấy không phải mẹ chồng - nàng dâu nào cũng hục hặc. Nhịn riết… vì muốn để cho chồng toàn tâm toàn ý với công việc nên chị bỏ lớp bỏ trường, gánh hết bao công việc không tên của “chức danh” vợ.

Hai con dần lớn, không phải lo cái ăn cái mặc, bệnh đau, chị lại phải sấp ngửa “bắt ghen” chồng với mấy cô giày xanh áo đỏ. Lại nhịn tiếp vì sợ ảnh hưởng việc học của con cái, uy tín của chồng.

Giờ ngấp nghé tuổi 50, xương cốt đã đau nhức, chị càng sợ những trận đòn. Nhưng hơn mười năm qua chị chưa một lần tố cáo hành vi bạo lực của chồng với chính quyền vì “cái nợ mình nó vậy. Thưa ra người ta tù tội, mất việc làm thì mình có được gì đâu. Ảnh còn “hăm”, chị mà thưa, ảnh đi tù vài năm ra, chị “ăn” một chai… là sống không bằng chết. Nên chị sợ. Giờ chỉ muốn được ly hôn và bình yên”.

30 năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, bao nhiêu công sức và nước mắt của chị đã đổ xuống cuộc hôn nhân này nhưng nhà cửa, xe cộ, đất đai đều… đứng tên đứa em trai của chồng.

Chị lại quẹt nước mắt, nói chỉ cần bình yên. Mọi sự đã nhịn 30 năm, giờ nhịn thêm nữa có sao đâu. Nhưng, biết chị có được bình yên thật không?

Thói “đánh vợ quen tay” của gã chồng bệnh hoạn

Chị bị chồng đánh “thừa sống thiếu chết” nhiều lần, nhưng không dám nói vì chồng dọa: “Báo công an sẽ được lên nóc tủ ngồi ăn hoa quả”.

Cô vợ bị chồng chém gây lún não, gãy xương bả vay, đứt hai ngón tay… mới "khai", trước đây cũng bị chồng đánh “thừa sống thiếu chết” nhiều lần, nhưng không dám nói vì chồng dọa: “Báo công an sẽ được lên nóc tủ ngồi ăn hoa quả”.

Bạc tình mà vẫn thương

Đàn bà miệng lưỡi thì mạnh mẽ, nhưng bụng dạ lại mềm yếu. Cân đo đong đếm kiểu gì thì cán cân vẫn lệch về phía chồng. 

Khi còn nhỏ, chị thường xuyên chứng kiến cảnh ba má cãi nhau vì ba có tính trăng hoa. Má tìm cách bắt quả tang, đánh ghen. Ba chia tay cô đó nhưng rồi lại cặp kè với cô khác. Má ghen tới cô thứ ba thì mệt, chán, không thèm ghen nữa. Má nói, chỉ cần giỗ quải, Tết nhất, ba về nhà vài ngày cho có mặt rồi muốn đi đâu thì đi. Ba bạc tình vậy mà không hiểu sao má vẫn thương. Nấu món gì ngon má lại bần thần, nói phải chi có ba ở nhà. Những ngày mưa bão hay lúc hoàng hôn buông xuống bên sông, má lại ngó mông lung, thở dài…

Ba đi biền biệt hơn chục năm, bỗng dưng quay về. Má không nói gì nhưng niềm vui không giấu nổi trong ánh mắt. Mỗi ngày má cơm bưng nước rót, dịu dàng với ba như chưa từng có những ngày khắc khoải ngóng trông, hờn ghen… Chị thì không rộng lượng được như má, chị không quen bỗng dưng có ba ở nhà. Má rầy, “ba sinh ra tụi con, đừng bất hiếu mang tội”. Ba về được một năm thì bị tai biến, nằm liệt một chỗ. Ngày ngày má cực nhọc đút từng muỗng cơm, giặt chiếu, thay đồ cho ba mấy lượt mà không hề than van một tiếng. Má nói: “vợ chồng là tình là nghĩa, làm sao má bỏ ổng cho được”…

Bị ám ảnh bởi cuộc hôn nhân của ba má nên chị cứ lần lữa việc lấy chồng. Ngoài 30 chị mới gặp được anh. Tính anh hiền lành, thiệt thà. Chị giao kèo: cưới nhau thì phải suốt đời chung thủy, không được lăng nhăng. Anh gật đầu cái rụp.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh cưng chị như trứng mỏng. Anh không thích ăn bún riêu, cháo, bánh canh… nhưng vì đó là những món khoái khẩu của vợ nên anh phải tập ăn, sợ vợ ăn một mình không thấy ngon. Anh đi làm về muộn, nghe vợ kêu thèm ăn gì đó là vội chạy đi mua. Má rầy “bây đày chồng vừa thôi”. Chị vô tư cười khúc khích.

Lẹt đẹt hơn chục năm anh mới lên được chức trưởng phòng. Bữa chồng về nhà nghe hớn hở khoe, chị dội ngay gáo nước lạnh: “Bạn bè em chồng tụi nó đều làm giám đốc, anh làm có trưởng phòng mà nhằm nhò gì”. Từ ngày anh lên chức, ngoài việc thỉnh thoảng về nhà muộn và nộp tiền lương nhiều hơn thì chẳng có gì thay đổi. Mờ sáng anh đã dậy lau nhà, bỏ đồ vào máy giặt, rồi ra đầu ngõ mua đồ ăn sáng. Chủ nhật, anh lại nấu nướng phục vụ hai mẹ con. Thấy anh toàn tâm toàn ý vì gia đình, chị hãnh diện vì giỏi hơn má, quản được chồng.

Nghe bạn bè xầm xì anh cặp bồ với cô nhân viên mới vào làm, chị không tin, cứ nghĩ họ nhầm hoặc đang chọc phá chơi. Nhỏ Lan khẳng định, thấy chồng chị vào khách sạn với một cô gái rất trẻ. Chị chới với như rơi xuống hố băng. Chị nhớ lại hình như dạo này anh ăn mặc chỉn chu hơn, chăm làm việc nhà hơn, đôi lúc lại thấy anh ngồi bần thần, nghe chuông điện thoại là anh giật thót, liếc nhanh sang chị… Những biểu hiện ấy, giờ chị mới nhớ ra.

Chị đang đau đầu thì nhỏ Lan lại gọi, bảo chị lên facebook, theo địa chỉ này, có hình của chồng chị. Đúng là hình của anh! Cô ấy viết: “Trông anh thật hiền, đẹp trai, tràn đầy nội lực. Tớ đã du học nhiều năm, đã quá chán mẫu thanh niên mới lớn. Anh thì khác, vẻ bản lĩnh, chững chạc và khuôn mặt hiền khô của anh đã làm tớ điên đảo. Anh có vợ rồi cũng không sao, tớ chấp nhận làm người tình trong bóng tối. Tớ tin chẳng bao lâu anh ấy sẽ bỏ vợ và đưa tớ ra ánh sáng”. Chị muốn xỉu, lòng ngùn ngụt lửa giận. Ở đâu ra thứ con gái không biết xấu hổ thế này. Chị nhấp chuột xem lại ảnh chồng - khuôn mặt mà lâu rồi chị ít khi ngắm kỹ. Quả nhiên, trông anh thật hiền, rất có chiều sâu, đầy sức hút. Đám bạn của cô ta xúm vào cổ vũ: “Xài hàng second hand hả? Đôi khi lại chọn được thứ rất vừa ý, chỉ cần tút lại chút xíu, trang trí thêm hoa lá cành là tuyệt vời hơn khối hàng mới ra lò”, “Mẫu đàn ông hấp dẫn nhất thời nay là… đã có vợ. Họ có sự nghiệp vững vàng, lại chững chạc, ga lăng, rành tâm lý phụ nữ… Woa, tớ cũng đang ráo riết kiếm một anh”…

Chị ngồi chết lặng trước máy tính. Đến lúc con gái chạy đến kéo tay: “Mẹ, con đói rồi”, chị mới nhìn ra, đèn đường đã bật từ lúc nào, bụng chị cũng đang đói sôi. Chị nấu đỡ gói mì cho hai mẹ con. Anh về, nhìn quanh quất, hỏi: “Cơm nước kiểu gì thế này?”. Chị hậm hực: “Chẳng phải anh ăn phở no rồi sao? Hỏi cơm làm gì?”. Anh cũng nổi quạu: “Tan sở là về nhà ngay, phở đâu mà ăn”. Chị giống như bị đổ dầu vào lửa, huỵch toẹt chuyện anh lén lút “ăn phở”, còn đưa “phở” vào khách sạn… Cãi nhau hăng, chị chỉ chợt tỉnh khi nghe tiếng rơi vỡ. Nhìn lại, con gái chị mặt xanh như tàu lá, người run bần bật. Nhìn con, chị đắng lòng nhận ra tuổi thơ khốn khổ của mình đang lặp lại. Ôm con vào lòng, chị quyết liệt: “Chúng ta ly hôn đi. Tôi sẽ đưa con đi khỏi đây để nó khỏi thấy tấm gương xấu của anh”. Mặc con khóc thét, chị gom vội quần áo, lôi con ra taxi. Anh ngồi sững trên ghế, cuối cùng mới nói được mấy chữ “muộn rồi còn đi đâu?”.

Thấy con gái về lúc nửa đêm, má chị giật mình. Má nói: “Con tính ly hôn mà đã nghĩ kỹ chưa? Con có tìm hiểu xem chồng đối với cô gái đó là thật lòng hay chỉ quen qua đường? Quan trọng là con còn yêu chồng không? Con có cư xử tốt với chồng? Có tha thứ cho nó được không? Bé Nhím có thể sống thiếu cha không? Nếu bỏ chồng, những ngày sắp tới con sẽ đối đầu với dư luận thế nào? Hai mẹ con sẽ sống ở đâu? Một mình con nuôi Nhím nổi không?...”. Chị nói đi là đi, đi vì không thể ở chung nhà với con người phản trắc ấy, đi mà không cần nghĩ đến nhiều vấn đề đến thế...

Mới có hai ngày Nhím đã nhớ ba, nằng nặc đòi về. Nhím nhớ con búp bê, nhớ chiếc giường quen thuộc có chiếc gối ôm hình con mèo. Chị dỗ con bằng cách kể chuyện cho con nghe. Nhím đòi mẹ kể chuyện cô tiên biến thành xấu xí để thử lòng người. Chị ngớ ra, chẳng biết đó là câu chuyện gì. Nhím đòi ăn phở, mà phải là phở ở quán bà Sáu ba hay mua… Nhím khóc, chê mẹ dở ẹc.

Chị đang nằm vùi thì nghe Nhím reo: “A, con nhớ ba quá. Mẹ ơi, ba tới rồi, mình về nhà thôi”. Anh ôm Nhím vào lòng, hôn lấy hôn để: “Về thì cũng phải chờ mẹ dọn đồ, rồi chào ông bà ngoại nữa chứ”. Trước mặt má, anh bối rối thưa: “Con xin lỗi má, con xin rước vợ con về”. Chị làm nư: “Tôi có nói tha thứ cho anh không? Có nói sẽ theo anh về không?”. Má giảng hòa: “Nó chịu xuống nước rồi thì thôi đi con. Lá rụng thì về cội mà con”. Chị chỉ tay về phía ba, tủi hờn: “Cái lá của má rụng về thì đã vàng quách, xác xơ. Má ấp ủ được, con thì không. Con hốt bỏ thùng rác”. Anh xuống nước nhỏ: “Thôi mà em, anh không có tình ý gì với cô ta, chỉ là… ăn bánh đổi việc. Anh hứa sẽ không qua lại với cô ấy nữa”.

Nhím sợ mẹ không chịu về, lạch bạch chạy vào phòng hốt quần áo cho vào giỏ. Kéo lê chiếc túi đến bên mẹ, Nhím giục: “Về đi mẹ, Nhím muốn tối nay ngủ với ba”. Chị tủi hờn theo anh ra xe, lòng nặng như đeo đá. Thôi thì vì con, chị cho anh cơ hội. Chắc ngày xưa má cũng nghĩ vậy nên mới rộng cửa đón ba. Đàn bà miệng lưỡi thì mạnh mẽ, nhưng bụng dạ lại mềm yếu. Cân đo đong đếm kiểu gì thì cán cân vẫn lệch về phía chồng. Buồn nhiều, tủi nhiều, hận cũng lắm, nhưng rồi cũng phải tập quên để con lại có cha. Khi cái lá rụng về, đàn bà lại rộng lòng ấp ủ, chẳng thể quét đi…

Tin mới