Năm 2012, Thành Đô (Tứ Xuyên) được UNESCO công nhận là "Thành phố ẩm thực" thứ hai của thế giới, đầu tiên của Châu Á. Năm 2015, tờ Telegraph của Anh xếp đây là một trong những điểm đáng đến của du khách khi tới châu Á. Tờ báo lừng danh này cũng đặc biệt nhấn mạnh về văn hoá ẩm thực nổi tiếng của Tứ Xuyên với vị cay đặc trưng và món lẩu nổi tiếng "mà ai cũng phải ăn một lần trong đời".
Lẩu Tứ Xuyên có từ những năm đầu thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, các công nhân cảng, ngư dân làm việc và sống dọc sông Dương Tử không đủ khả năng để ăn thịt. Bởi vậy họ tìm ra cách nấu các loại thịt và nội tạng rẻ tiền bằng cách nhúng chúng trong nồi nước dùng thật cay. Việc này ban đầu nhằm che đi mùi hôi từ nội tạng và thịt rẻ tiền. Tuy nhiên, sau khi bổ sung các loại gia vị thơm, món ăn dành cho người nghèo này đặc biệt hấp dẫn hơn và trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên.
Sau nhiều năm cải biến, phát triển, lẩu Tứ Xuyên ngày nay không còn là món ăn bình dân. Mặc dù nội tạng vẫn được dùng khi chế biến món này nhưng thịt rẻ tiền đã được đổi thành các loại thịt chất lượng cao, thêm hải sản, nhiều rau xanh.
Điểm đặc trưng của nó nằm ở vị cay nồng kết hợp từ nhiều loại gia vị như ớt đỏ Tứ Xuyên, hoa tiêu Tứ Xuyên, hạt tiêu, hành, tỏi... tạo nên hương vị không lẫn vào đâu được. Thực khách có thể thưởng thức lẩu tại các nhà hàng chuyên bán lẩu Trung Quốc. Còn nếu muốn tự nấu thì cần phải có gói gia vị lẩu được chế biến theo công thức riêng khiến bạn chỉ nhìn thôi đã rùng mình.
Để đạt được độ cay "thần sầu", loại ớt sử dụng cho nước dùng lẩu phải là ớt Tứ Xuyên. Ảnh: sichuanchili.
Gói gia vị cô đặc làm cho nước lẩu Tứ Xuyên có màu đỏ cùng lớp váng dầu béo ngậy. Bạn có thể dùng nấu lẩu hải sản, thịt bò hoặc làm nước sốt quết lên đồ nướng. Tuy nhiên, người không quen ăn cay thì nên cân nhắc nêm nếm lượng vừa đủ, bởi khi cho vào miệng, bạn chưa nếm được vị cay nhưng ngay lập tức thấy đầu lưỡi bị tê, thậm chí là mất cảm giác. Tầm 3 phút sau, vị cay nóng lan tỏa khắp cơ thể khiến bạn nóng rần. Chính vì thế mà nó thích hợp với khí hậu mát lạnh quanh năm ở Tứ Xuyên. Còn các tín đồ lẩu Tứ Xuyên thì cho biết, món này càng ăn càng nghiện.
Một điểm đặc biệt khác của lẩu Tức Xuyên chính là nồi lẩu có thể có hai hoặc chín ngăn để đặt từng loại nước lẩu khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại, đa phần các nhà hàng lẩu Tứ Xuyên thường dùng loại nồi hai ngăn. Một ngăn có chứa nhiều gia vị cay nóng, ngăn còn lại thì không cay để phù hợp với khẩu vị của khách.
Không chỉ dùng xương heo, xương gà hầm cho ngọt nước, trong nồi lẩu Tứ Xuyên nhất định phải có cả xương bò được nướng lên với than hồng mới làm dậy lên mùi thơm đặc trưng. Nước súp phải hầm trong nhiều giờ liền, các nguyên liệu phải được bắt lên chảo xào cho đến khi thơm cay nức mũi. Thế nên mới thấy, để có một nồi lẩu Tứ Xuyên thơm ngon là không hề dễ dàng.