Những bài học đắt giá Mỹ học được ở chiến trường Việt Nam
(Kiến Thức) - Đội quân mạnh nhất và thiện chiến hàng đầu thế giới, với vũ khí trang bị hiện đại và kinh nghiệm chiến tranh phong phú, nhưng đã phải gặp rất nhiều khó khăn và thất bại khi đối đầu với những người lính giải phóng Việt Nam.
Thái Hòa
Xem toàn bộ ảnh
Trước hết phải khẳng định rằng lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam cực kì thiện chiến, tinh nhuệ, hiện đại và việc chúng ta chiến đấu và thắng Mỹ không phải là do lính Mỹ kém cỏi về mặt trình độ tác chiến.
Tại chiến trường Việt Nam, điều mà lính Mỹ đối mặt là chiến tranh bất định kẻ thù, bởi lẽ chúng ta áp dụng chiến tranh nhân dân, mọi người dân lính Mỹ gặp đều có thể là du kích, quân giải phóng hoặc người ủng hộ cách mạng.
Việc không có chiến tuyến rõ ràng, không thể tiến hành giao tranh "sòng phẳng" theo quy ước, khiến lính Mỹ rơi vào thế lúng túng, do họ có rất nhiều kinh nghiệm "đánh lớn", nhưng lại thiếu kinh nghiệm chống du kích.
Trước khi lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, phương thức tác chiến của lính Mỹ nói chung thuộc phương thức chiến tranh chính quy, phân tuyến, thực hiện các phương án chiến thuật - chiến dịch rõ ràng theo thời gian và mục đích vì khu vực giao tranh, đối phương bên kia chiến tuyến được xác định rõ.
Vì tham gia các chiến dịch truyền thống nên khi vào chiến trường Việt Nam, mọi phương thức tác chiến của quân Mỹ, kể cả khi được trang bị nhiều vũ khí hiện đại cũng đều gặp rất nhiều khó khăn khi đối diện với loại hình tác chiến phi truyền thống, tác chiến du kích đánh nhỏ lẻ, đánh nhanh rút nhanh.
Chính nghệ thuật chiến tranh sáng tạo của bộ đội Việt Nam đã khiến lính Mỹ không thể xác định rõ mục tiêu hay khu vực giao tranh, từ đó các biện pháp chi viện hoả lực truyền thống như oanh kích bằng pháo binh, bằng phi cơ bị hạn chế hiệu quả.
Với lối đánh cận chiến, những người lính giải phóng đã buộc Mỹ không thể chi viện hoả lực cho bộ binh hiệu quả trong tầm gần, bởi nguy cơ “quân ta bắn phải quân mình” là điều quá rõ ràng.
Hoả lực bộ binh thông thường của lính Mỹ khi đó không đủ khả năng để có thể áp chế bộ binh đối phương nếu không có hoả lực pháo binh, không quân chi viện.
Từ đây hình thành cơ sở, phát triển cải tiến trang bị bộ binh như việc thay súng trường M1 thành M14 và sau đó là CAR-15, M16A1, phát triển súng phóng lựu cá nhân M-79, súng phóng lựu liên thanh MK-19, thay thế súng chống tăng M-72 bằng cái loại vũ khí tin cậy và uy lực hơn như MK-153 SMAW...
Với điều kiện địa hình và khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam, cùng phương thức tác chiến linh hoạt của quân giải phóng đã khiến cho xác suất đánh trúng mục tiêu pháo binh và không quân Mỹ trong thời gian ngắn bị giảm đi rất nhiều, điều này tạo ra cơ sở phát triển vũ khí có điều khiển chính xác.
Đó cũng là cơ sở chính cho việc Mỹ đưa vào tham chiến thử nghiệm bom dẫn đường laser vào năm 1972, phát triển máy bay cường kích A-10 chuyên nhiệm cho việc yểm trợ tầm gần, phát triển đạn pháo dẫn đường....
Về chiến thuật, lần đầu tiên Mỹ đối mặt với chiến thuật trận địa chốt, cụm chốt phòng ngự cơ động liên hoàn, khiến cho vũ khí và hoả lực hiện đại của quân Mỹ khi đó không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ ở tầm xa. Vì vậy, quân Mỹ đành phải chấp nhận thiệt hại về người và vũ khí trang bị khi cố gắng tập trung lực lượng để đột phá trận địa của quân ta.
Sự phát triển nghệ thuật tác chiến trên chiến trường Việt Nam cũng khiến Mỹ ít nhiều cải tiến trang bị nhưng điều đó thực tế chỉ được giải quyết dứt điểm khi quân đội Mỹ tham chiến ở chiến trường Iraq năm 1991.
Có thể nói không ngoa rằng, thực tế chiến trường Việt Nam chính là nơi Mỹ được thử nghiệm chiến tranh phản du kích và chiến thuật bộ binh phi truyền thống, nhờ vậy mà Mỹ đã hoàn thiện được chiến thuật và kinh nghiệm tác chiến bộ binh theo hình thức, trang bị và cách đánh hiện đại. Nguồn ảnh: TheArchive.
Ngay cả khi quân giải phóng đánh theo kiểu chiến tranh quy ước ở Khe Sanh, Mỹ vẫn thất bại thảm hại. Nguồn: USforces.