Những bản thảo khó hiểu nhất hành tinh đánh đố cả thiên tài
Một số bản thảo cổ xưa được viết bằng ngôn ngữ và hình ảnh minh họa khó hiểu. Do đó, sau nhiều thế kỷ nghiên cứu, giới chuyên gia vẫn chưa thể giải mã nội dung ẩn chứa trong đó.
Tâm Anh (theo Ancient origins)
Xem toàn bộ ảnh
Bản thảo Rongorongo là một trong những tài liệu bí ẩn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, bản thảo cổ xưa này được tìm thấy trên đảo Phục Sinh, Chile. Rongorongo là bản thảo viết bằng chữ tượng hình do những cư dân đầu tiên sống trên đảo viết ra.
Các chuyên gia cho hay bản thảoRongorongo xuất hiện một cách đầy bí ẩn vào những năm 1700 trong khi cư dân sống ở những vùng đảo lân cận đảo Phục Sinh chưa có chữ viết.
Do ngôn ngữ viết trên bản thảo Rongorongo đã biến mất từ lâu nên các chuyên gia gặp nhiều khó khăn trong việc giải mã nội dung. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khi người châu Âu kiểm soát đảo Phục Sinh, ngôn ngữ được dùng trong bản thảo Rongorongo bị cấm vì nguồn gốc ngoại giáo của người dân trên đảo. Do đó, ngôn ngữ này dần biến mất và không còn bất cứ tài liệu nào hướng dẫn cách giải mã nó.
Khó giải không kém Rongorongo là bản thảo Voynich. Nó được xem là một trong những cuốn sách bí ẩn nhất trên thế giới. Được phát hiện vào năm 1912 ở một thư viện thuộc Rome, bản thảo Voynich có niên đại khoảng 500 tuổi.
Bản thảo cổ xưa này có 240 trang chữ viết và tranh minh họa với nhiều hình ảnh kỳ lạ. Loại chữ viết được sử dụng trong bản thảo Voynich là ngôn ngữ mà các nhà khoa học chưa từng biết đến.
Do vậy, kể từ khi phát hiện, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí là các nhà mật mã đã ra sức giải mã nội dung bản thảo Voynich nhưng chưa ai thành công.
Vì mãi chưa thể đọc - hiểu nội dung trong bản thảo Voynich nên một quan điểm cho rằng tài liệu cổ xưa này có thể là một trò đùa của người xưa. Vậy nên, ngôn ngữ sử dụng trong bản thảo không thể giải mã được. Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định bản thảo Voynich dường như tuân theo các cấu trúc và quy luật của một ngôn ngữ thật sự. Vậy nên, giới nghiên cứu vẫn nỗ lực giải mã bản thảo Voynich bí ẩn này.
"Phúc âm của Đức mẹ Maria" được lưu giữ và bảo quản tại Đại học Harvard, Mỹ hấp dẫn giới khảo cổ. Điều này xuất phát từ việc đây là bản thảo cổ xưa viết bằng tiếng Coptic.
Coptic là một ngôn ngữ của người Ai Cập thời cổ đại. Các chuyên gia xác định bản thảo "Phúc âm của Đức mẹ Maria" có niên đại khoảng 1.500 năm tuổi. Trong suốt nhiều thế kỷ, giới chuyên gia nỗ lực giải mã nội dung bản thảo này.
Vào năm 2014, Anne Marie Luijendijk, giáo sư tại Khoa Tôn giáo thuộc Đại học Princeton, Mỹ gây xôn xao dư luận về nội dung bản thảo. Theo giáo sư Luijendijk, "Phúc âm của Đức mẹ Maria" gồm 37 lời sấm truyền dùng để dự đoán tương lai. Thế nhưng, đến nay, thông tin này vẫn chưa được xác thực.
Mời độc giả xem video: Giải mã bí ẩn thiết bị tiết kiệm điện. Nguồn: VTV24.