Những “bóng hồng” trong đêm ở chợ Long Biên ngày cận Tết
Khi màn đêm buông xuống, thành phố chìm dần vào giấc ngủ, kết thúc một ngày làm việc thì cũng là lúc nhịp sống mới ở chợ Long Biên bắt đầu.
Theo Thanh Huế / Lao Động
Xem toàn bộ ảnh
Chị Đào Thị Xòe (quê Hưng Yên), một trong hàng trăm nữ cửu vạn ở chợ Long Biên đã gắn bó với chiếc xe kéo gần 10 năm. Chị chuyển lên Hà Nội làm cửu vạn để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đều đặn hàng ngày bất kể mùa đông hay mùa hè, chị bắt đầu công việc vào lúc 10h tối cho đến 1h sáng. Trung bình mỗi đêm chị kéo được 3 – 4 chuyến. Với mỗi thùng hàng chở được, chị nhận được 50.000 đồng. Hàng chở chủ yếu là hoa quả, tổng khối lượng mỗi chuyến xe kéo từ 400kg – 600kg với đoạn đường từ 600m – 1km.
Không chỉ kéo xe chở hàng, chị còn làm luôn cả việc vận chuyển từng thùng hàng từ nơi bán lên xe kéo, rồi lại chuyển từ xe kéo lên xe tải.
Công việc tuy vất vả nhưng bù lại, thu nhập cao hơn việc đồng áng, đủ tiền nuôi con ăn học và chi tiêu hàng ngày. Hiện tại, con trai chị cũng lên Hà Nội sống cùng với mẹ.
Cũng làm nghề cửu vạn kiếm sống được 10 năm, chị Đỗ Thị Phấn (57 tuổi, quê Hưng Yên) thay vì chọn kéo xe, chị Phấn nhận gánh hàng, một phần cũng để phù hợp với sức khỏe hiện tại.
Chị bắt đầu công việc vào lúc 1h sáng cho đến khi tan chợ. Mỗi gánh chị nhận được từ 10 nghìn – 20 nghìn đồng tùy thuộc vào số lượng và khoảng cách với điểm đến.
Nghề cửu vạn vốn đã vất vả, đối với phụ nữ lại càng khó khăn hơn. Chị Phấn chia sẻ: “Lúc đầu không quen với thời gian sinh hoạt thế này, lại còn gánh hàng nặng khiến vai và chân tay đau nhức. Nhưng dần rồi quen, như công việc hàng ngày bình thường khác. Ruộng ở nhà vẫn cấy hái nhưng cũng chỉ về khi mùa vụ đến, chứ làm mỗi ruộng thôi thì không đủ ăn.”
Kết thúc một buổi làm việc, các chị lại về phòng trọ ngay cạnh chợ Long Biên, nghỉ ngơi chờ đến tối. Không chỉ vất vả khi làm việc mà nơi ở trọ của họ cũng thiếu thốn về nhiều mặt. Nhưng địa điểm ở gần chợ, nên ai cũng chấp nhận điều kiện sống chật chội, thiếu thốn để tiết kiệm được tiền thu nhập.
Bữa cơm hàng ngày cũng chỉ có một món rau, một món thịt và cơm trắng.
Phòng trọ rộng khoảng 10m2 dành cho 4 người, chỗ vệ sinh cũng được gia công thêm ngay tại trong phòng.
Những người phụ nữ phải rời nhà lên Hà Nội làm công việc nặng nhọc để kiếm tiền. Nhưng tất cả những khó khăn đó không thể nào làm mất đi nụ cười, tinh thần sống lạc quan của những con người nơi đây. Bởi họ không chỉ cố gắng cho bản thân mà còn cố gắng cho cả những người thân ở nhà.