Thỏa thuận Nga-Mỹ ở Geneva buộc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phải xét lại chính sách hiện hành đối với Syria. |
Quan hệ Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua những bước thăng trầm. Khi cuộc biểu tình hòa bình đầu tiên nổ ra tháng 3/2011, quan hệ giữa Damascus và Ankara vẫn còn nồng ấm. Trong thực tế, mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện sau khi Đảng Công lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11/2002.
Ngay sau cuộc bầu cử, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một đối tác thương mại và ngoại giao lớn của Syria cùng với sự phát triển của một mối quan hệ gần gũi giữa Erdogan và Bashar al-Assad. Sự thân thiện này đã dẫn đến việc ông Erdogan hối thúc ông Assad thực hiện cải cách trên một số lĩnh vực.
Quan hệ Assad-Erdogan đã có thời khá nồng ấm. |
Khi tình hình Syria xấu đi, đặc biệt là trong tháng Ramadan vào mùa hè năm 2011, Ngoại trưởng Davutoglu đã tới Damascus với nhiệm vụ thuyết phục Tổng thống Assad chấm dứt các cuộc đàn áp biểu tình, nhưng không thành công. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay ngoắt 180 độ trong mối quan hệ với Syria.
Tháng 9/201, Thủ tướng Erdogan kêu gọi Assad công nhận Hội đồng Quốc gia Syria là đại diện chính thức của phe đối lập Syria. Điều này không chỉ khiến cả hai nước rút hết đại diện ngoại giao tại thủ đô mỗi nước mà các thỏa thuận tự do thương mại giữa hai bên cũng đã bị đình chỉ.
Giống như một số nước khác, lúc đầu Thổ Nhĩ Kỳ đã dự đoán chế độ Assad sẽ sụp đổ trong vòng vài tháng. Đó là lý do vì sao tại thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối mọi hình thức can thiệp quân sự từ bên ngoài, mà chỉ đề nghị một lệnh trừng phạt kinh tế của LHQ.
Tuy nhiên, việc chính quyền Syria tiếp tục trấn áp phe nổi dậy, làn sóng người tị nạn Syria tràn qua biên giới và đặc biệt việc một chiếc máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi vào tháng 6/2012 ... đã khiến cho Ankara xem xét lại các chính sách đối với Syria. Thay vì phản đối can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lên tiếng về sự cần thiết của một cuộc can thiệp quân sự và cho rằng chỉ có như vậy mới dẫn đến thay đổi chế độ ở Syria.
Tháng 8/2012, Ngoại trưởng Davutoglu đã nêu sáng kiến tại Hội đồng Bảo an LHQ về việc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria, song vấp phải sự im lặng, thậm chí không ít ý kiến phản đối. Qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại trong việc thuyết phục Mỹ và cộng đồng quốc tế tấn công quân sự chống Syria.
Sau sự kiện ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus mà theo đánh giá của tình báo Mỹ khiến hơn 1.400 người bị thiệt mạng, Thủ tướng Erdogan đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ sự can thiệp quân sự của Mỹ.
Trong một động thái nhằm kích động can thiệp quân sự, ông Erdogan đã lớn tiếng cáo buộc cộng đồng quốc tế và đặc biệt là phương Tây không cảm nhận được sự thống khổ của người dân Syria và kêu gọi sự can thiệp như NATO đã từng làm ở Kosovo năm 1999. Nhưng những lời kêu gọi trên của ông đã bị bỏ ngoài tai, khiến cho nước này cùng với hai đối tác khác là Saudi Arabia và Qatar bị cô lập về vấn đề Syria. Hy vọng sự ra đi của ông Assad đã tan biến, ít ra là trong tương lai gần.
Thủ tướng Erdogan kêu gọi can thiệp quân sự vào Syria như NATO từng làm ở Kosovo năm 1999. |
Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ còn lâm vào tình trạng khó xử hơn khi al-Qaeda xuất hiện ngày càng nhiều trong hàng ngũ lực lượng đối lập ở Syria, khiến cho chính sách đối với Syria của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng ít nhận được sự ủng hộ hơn của cộng đồng quốc tế. Ngay cả ở trong nước, trong một cuộc thăm dò dư luận hồi cuối năm 2012, có tới 43,5% dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Ankara nên đứng ngoài cuộc xung đột Syria. Nay nếu được hỏi ý kiến vào thời điểm hiện nay, tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn.
Riêng đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ và các đồng minh trong khối NATO can thiệp quân sự vào Syria đã dẫn đến rất nhiều cuộc biểu tình ở trong nước phản đối chủ trương này. Theo kết quả một cuộc điều tra cách đây chưa lâu, có tới 72% người dân Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria, cao hơn 10% so với tỷ lệ này tại Mỹ.
Trong bối cảnh hiện nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần phải thực tế hơn, tập trung vào giải quyết vấn đề người tị nạn tràn sang biên giới nước này và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tăng tại Syria, trong khi phải làm sao cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria không đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây mới là tính toán thực tế và khôn ngoan hơn so với việc theo đuổi cách tiếp cận nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Assad.