Những con số thú vị trong lần đầu “Hỏi nhanh - đáp gọn” kỳ họp thứ 5

Bốn bộ trưởng đã hơn 300 lần nhắc tới từ "trách nhiệm", gần 100 lần tiếp thu ý kiến đại biểu và khoảng 140 lần nói "xin hứa, sẽ cố gắng, rà soát" tại phiên chất vấn trực tiếp theo hình thức "hỏi nhanh - đáp gọn" tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn ngày 6/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định việc đổi mới cách thức chất vấn "hỏi nhanh - đáp gọn" tại kỳ họp thứ 5 đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.
"Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn, chỉ đạo, điều hành khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Phản hồi tích cực từ đại biểu và cử tri
kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, thời gian dành cho mỗi lượt chất vấn của đại biểu được rút gọn xuống còn 1 phút thay vì 2 phút như trước đây. Trao đổi với Zing.vn sau phiên chất vấn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đánh giá các câu hỏi của đại biểu đặt ra cụ thể, ngắn gọn, trực diện.
Theo dõi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn bộ trưởng và các thành viên Chính phủ từ Mỹ, bà Trần Thị Bích Hằng (58 tuổi) cho biết kỳ họp Quốc hội nào bà cũng xem phần chất vấn để nắm rõ hơn tình hình ở nhà.
"Kỳ này hình thức 'hỏi nhanh - đáp gọn' được áp dụng và theo tôi nó mang lại hiệu quả lớn. Những câu hỏi đưa ra ngắn gọn không nặng trình bày. Bộ trưởng sau khoảng 3 lượt chất vấn là trả lời luôn, mỗi lần trả lời ngắn thôi chứ không kéo dài cả tiếng như những lần trước. Người xem như tôi cũng dễ theo dõi", bà chia sẻ.
 
Theo thống kê của Zing.vn, ở kỳ họp này, trung bình mỗi đại biểu mất 48 giây cho việc đặt câu hỏi, thấp hơn rất nhiều so với khoảng thời gian một phút rưỡi ở kỳ họp thứ 4. Có những câu hỏi đại biểu chỉ trình bày 16-20 giây mà vẫn rõ ràng.
Thời gian hỏi rút gọn theo đó số lượng câu hỏi được tăng lên và thời gian dành cho bộ trưởng giải đáp bức xúc của cử tri cũng nhiều hơn. Nếu như ở những kỳ trước, mỗi bộ trưởng nhận được khoảng 40 lượt chất vấn và tranh luận của đại biểu thì kỳ họp này con số tăng lên đến 70.
Điển hình phần chất vấn Bộ trưởng Tài Nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, có tới 78 lượt đại biểu tham gia tranh luận và chất vấn tại nghị trường và 19 câu hỏi khác được trình bày để bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay đã có hơn 250 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, bức xúc, được đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng phương thức mới đã giúp không chỉ tăng số lượng đại biểu đưa ra câu hỏi chất vấn mà còn tạo điều kiện để cả nghị trường đi đến cùng vấn đề. Đồng thời nữ đại biểu đánh giá cao vai trò của chủ tọa trong việc điều hành phiên chất vấn ở kỳ họp này.
"Điểm tạo ấn tượng nhiều với tôi là sự nhạy cảm, linh hoạt trong điều hành, cũng như các nhận xét ngắn, song lại trúng trọng tâm vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đưa ra", nữ đại biểu chia sẻ.
Theo bà, ngay sau khi đại biểu tranh luận lại, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu bộ trưởng trả lời ngay lập tức, nhằm làm rõ hơn vấn đề, không máy móc thực hiện đúng nguyên tắc tiến hành ban đầu.
“Các đại biểu đều tán thành việc ưu tiên để bộ trưởng, trưởng ngành trả lời ngay phần tranh luận, dù có thể làm chậm sự xuất hiện của mình. Vì vậy, hoạt động này của Quốc hội sôi động hơn, cuốn cả người chất vấn và người trả lời chất vấn”, đại biểu Nguyễn Thị Yến chia sẻ thêm.
Tăng áp lực cho các bộ trưởng thực hiện lời hứa
Việc “hỏi nhanh - đáp gọn” cũng làm tăng tính đối thoại giữa đại biểu và bộ trưởng. Các bộ trưởng phải trả lời sau khi 3 đại biểu đăng đàn, thay vì 5 đại biểu với các chất vấn "nhồi nhét" nhiều câu hỏi bên trong như trước đây.
Đồng thời, câu trả lời cũng buộc phải tiết chế phần trình bày báo cáo thành tích hay dẫn hết văn bản này đến văn bản khác vì thời gian trung bình cho mỗi câu trả lời chỉ là 3 phút.
 
Sau lần "tập dượt" khá thành công với phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3 vừa rồi, Quốc hội đã quyết định đem ra áp dụng ở quy mô toàn thể với những điều chỉnh phù hợp với phòng họp Diên Hồng.
Nhận xét về lần đầu tiên cải tiến cách thức chất vấn đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao việc nó tạo được sự tương tác nhiều hơn, sự đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời.
"Cách thức này nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Các đại biểu đã hỏi ngắn gọn, không trùng ý, bộ trưởng trả lời trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, không mất nhiều thời giờ để ghi chép câu hỏi, khi trả lời không bỏ sót câu hỏi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận.
 
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đánh giá trong kỳ họp này các bộ trưởng khi trả lời thể hiện việc nắm lĩnh vực mà mình phụ trách. Các "tư lệnh" ngành trong phiên chất vấn đã thẳng thắn, cầu thị và sẵn sàng nhận trách nhiệm về vấn đề còn yếu kém. Tuy nhiên, điều ông quan tâm là việc các bộ trưởng xây dựng kế hoạch thực hiện những điều đã hứa trước Quốc hội và cử tri.
"Các bộ trưởng nên coi vấn đề mà đại biểu và cử tri đặt ra chính là những gợi ý cho công việc của mình trong tương lai. Do đó, tôi nghĩ áp lực không phải khi đối diện với câu hỏi chất vấn mà là thực hiện lời hứa", đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.
Trao đổi với Zing.vn trước thềm phiên chất vấn, ông Miguel Chanco, chuyên gia ASEAN của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) bày tỏ hy vọng sau các phiên chất vấn, các bộ trưởng tích cực hơn trong việc cải cách và thực hiện các cam kết của mình như đã nêu ở nghị trường.
 
Theo ghi nhận, xuyên suốt 3 ngày, với tư cách là người đứng đầu ngành, các bộ trưởng có 15 lần trực tiếp nhận trách nhiệm về phía mình. Riêng bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông-Vận tải, trong lần đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên này đã xin lỗi và "mong bà con hết sức thông cảm" 12 lần. Đồng thời, các “tư lệnh” ngành có gần 100 lần xác nhận tiếp thu ý kiến của đại biểu và hơn 50 lần “hứa hẹn” và sẽ “cố gắng” thay đổi. Đáng chú ý, cụm từ "trách nhiệm" được cả đại biểu và bộ trưởng đề cập đến 300 lần - là cụm từ được nhắc đến nhiều thứ hai sau "kính thưa" (570 lần).
Thời gian xiết chặt, đại biểu trình bày quá giờ, Bộ trưởng khó trả lời sâu
 
Bên cạnh những đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, súc tích, vẫn còn những vị trình bày vấn đề kéo dài đến gần 2 phút. Một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn, một số khác thì được trình bày dài dòng, không đi thẳng vào trọng tâm. Trong kỳ họp lần này, thời gian cho phần đặt câu hỏi được thắt chặt do đó tỷ lệ đại biểu hỏi quá thời gian quy định kỳ này cũng tăng so với kỳ trước.
Theo thống kê của Zing.vn, khoảng 1/4 số đại biểu chất vấn và tranh luận quá giờ quy định, chủ tọa liên tục nhắc hết giờ và yêu cầu đại biểu nói ngắn gọn vì thời gian vô cùng hạn hẹp.
Đơn cử, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6, có đến 6 lần chủ tọa Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu đại biểu hỏi ngắn gọn không dài dòng, mỗi câu hỏi không “nhồi nhét” quá nhiều ý. Đồng thời, chủ tọa cũng lưu ý bộ trưởng trả lời gãy gọn không dài dòng, đi thẳng vào vấn đề để tiết kiệm thời gian.
Thời gian là vàng bạc trong các phiên chất vấn. Dù có những cải tiến đáng kể nhưng quỹ thời gian dành cho hoạt động hỏi - đáp trên nghị trường vẫn tương đối hạn hẹp. Trong phiên chất vấn lần này còn 63 câu hỏi của đại biểu chưa được giải đáp ngay mà bộ trưởng sẽ gửi văn bản trả lời. Và trong phiên chất vấn bộ trưởng Bộ GT-VT, 17 đại biểu đăng ký chất vấn nhưng không được trình bày câu hỏi trên nghị trường.
Về phía bộ trưởng, theo quy định mỗi “tư lệnh” ngành có khoảng 9 phút để trả lời 3 chất vấn của đại biểu.
Chia sẻ với Zing.vn, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng do thời gian ngắn nên câu hỏi của ông về lộ trình tự chủ đại học, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ không đi sâu được vấn đề cần giải đáp.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các phần trả lời chất vấn của bộ trưởng kéo dài từ 8-17 phút. Riêng một phần trả lời 4 chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà kéo dài 37 phút và tổng thời lượng trả lời của "tư lệnh" ngành Tài nguyên - Môi trường cũng dài nhất (161 phút) trong 4 vị bộ trưởng ngồi "ghế nóng" trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 này.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) cũng nhìn nhận qua 3 ngày chất vấn, người trả lời bị giới hạn bởi thời gian nên có nhiều nội dung chất vấn không được giải đáp sâu, triệt để, tính khái quát ít hơn.
“Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm cho kỳ họp tiếp theo", ông Thắng nói.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện quốc phòng Australia, cho rằng cần dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động hỏi - đáp trên nghị trường. Đồng thời, để tiết kiệm thời gian, trước mỗi phiên chất vấn, đại biểu nên gửi câu hỏi dưới dạng văn bản về cho bộ trưởng thay vì trình bày trực tiếp ở nghị trường

Tin mới