Những cuộc tỷ thí nổi tiếng trong tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long

Trong nhiều tác phẩm của những danh gia tiểu thuyết võ hiệp như Kim Dung hay Cổ Long, các cuộc tỷ thí để phân định ngôi thứ trên giang hồ luôn là điều không thể thiếu.

Trong tiểu thuyết võ hiệp, những cuộc tỷ thí, phân tài cao thấp giữa các cao thủ võ lâm luôn là điểm thú vị, hấp dẫn. Và trong các cuốn sách của Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân, Ôn Thụy An… luôn tràn ngập những trận quyết đấu để phân định ngôi vị “minh chủ võ lâm”, “đệ nhất thiên hạ”…

Ngũ tuyệt luận kiếm Hoa Sơn

Trong Xạ điêu tam bộ khúc, các nhân vật giang hồ ai cũng biết đến cuộc “Hoa Sơn luận kiếm” giữa năm đại cao thủ, được mệnh danh là “thiên hạ ngũ tuyệt”, trên đỉnh Hoa Sơn.

Đó là Đông Tà Hoàng Dược Sư (đảo chủ Đào Hoa đảo), Tây Độc Âu Dương Phong (chủ nhân Bạch Đà Sơn - Tây Vực), Nam Đế Đoàn Trí Hưng (vua nước Đại Lý), Bắc Cái Hồng Thất Công (bang chủ Cái Bang) và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương (chưởng môn Toàn Chân Giáo).

Nhung cuoc ty thi noi tieng trong tieu thuyet Kim Dung, Co Long

Tạo hình “thiên hạ ngũ tuyệt” trong phim truyền hình Xạ điêu anh hùng truyện. Ảnh: Sina. 

Sự kiện này diễn ra trước những diễn biến của Xạ điêu anh hùng truyện. Thời đó, cuốn bí kíp Cửu Âm chân kinh gây phong ba chốn giang hồ, nhiều cao thủ và bang phái đã tàn sát lẫn nhau để tranh giành bảo vật võ học này. Do đó, cuộc tỷ thí Hoa Sơn luận kiếm được tổ chức để xác định người giỏi nhất sẽ giữ Cửu Âm chân kinh.

Mỗi thành viên của nhóm “thiên hạ ngũ tuyệt” đều có sở trường riêng. Đông Tà nổi danh với tuyệt kỹ Đàn chỉ thần công (búng sỏi). Tây Độc khét tiếng tàn độc với Cáp mô công lấy tịnh chế động, mô phỏng hình dáng của con cóc.

Nam Đế có võ công gia truyền Nhất dương chỉ có khả năng khắc chế Cáp mô công. Bắc Cái luôn sử dụng Hàng long thập bát chưởng mạnh mẽ như rồng. Trung Thần Thông có bí kíp đắc ý là Tiên thiên công của Toàn Chân giáo.

Theo lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông với Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện, cuộc giao đấu diễn ra rất quyết liệt trong nhiều ngày. Cuối cùng Vương Trùng Dương với nội công Đạo gia thâm hậu đã giành chiến thắng, được tôn làm đệ nhất thiên hạ, có quyền giữ Cửu Âm chân kinh.

Tam tấu trên Đào Hoa đảo

Một đặc điểm độc đáo của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung là võ thuật không chỉ là đánh đấm mà còn thể hiện cá tính nhân vật, mang tư tưởng của tác giả và thậm chí còn được nghệ thuật hóa. Cuộc đấu giữa Đông Tà, Tây Độc và Bắc Cái trên Đào Hoa đảo là một trường đoạn rất đặc sắc trong Xạ điêu anh hùng truyện.

Âu Dương Khắc một lần gặp Hoàng Dung đã điên đảo thần hồn. Vì thế, Âu Dương Phong dẫn gã cháu phong lưu tới gặp Hoàng Dược Sư để cầu hôn. Trên Đào Hoa đảo, hai đại cao thủ lâu năm không gặp đã đọ nội lực bằng tiếng nhạc. Đông Tà dùng ngọc tiêu thổi khúc Bích hải triều sinh, Tây Độc đáp trả bằng tiếng đàn tranh.

Nhung cuoc ty thi noi tieng trong tieu thuyet Kim Dung, Co Long-Hinh-2

Dương Húc Văn trong vai Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện bản 2017. Nhờ nghe cuộc đọ nội công đàn - tiêu giữa Âu Dương Phong và Hoàng Dược Sư, Quách Tĩnh ngộ ra được Cửu Âm chân kinh. Ảnh: Sina. 

“Quách Tĩnh không hiểu âm nhạc, nhưng mỗi tiếng thiết tranh vang lên đều khiến tim y giật thót một cái. Tiếng đàn tranh nhanh dần, tim y cũng đập nhanh dần, chỉ cảm thấy trong ngực bình bình”, trích Xạ điêu anh hùng truyện. Lúc này, anh chàng ngốc nghe lén mới phát hiện ra Âu Dương Phong sử dụng nội công thượng thặng trong tiếng nhạc.

So với tiếng đàn của Tây Độc, điệu sáo của Đông Tà lợi hại không kém. “Chỉ nghe tiếng đàn tranh mau dần, tới đoạn cuối thì như chuông trống cùng khua, muôn ngựa cùng phi, chợt có tiếng êm ái chen vào, một tràng tiếng tiêu dìu dặt chen vào giữa tiếng đàn tranh... Tiếng thiết tranh tuy vang dội nhưng thủy chung vẫn không át được tiếng tiêu, hai âm thanh chen lẫn vào nhau, âm điệu vô cùng quái dị”.

Nhờ nghe tiếng đàn và tiêu của hai đại cao thủ, Quách Tĩnh suy luận ra được ý nghĩa thâm sâu của Cửu Âm chân kinh. Và cuộc đấu tay đôi giữa Đông Tà - Tây Độc bất ngờ bị xen ngang bởi tiếng hú “như rồng ngâm cọp rống” của Bắc Cái Hồng Thất Công.

Tây Độc náo loạn quần hùng

Khoảng 25 năm sau cuộc Hoa Sơn luận kiếm đầu tiên, trận tỷ thí thứ hai diễn ra. Vương Trùng Dương đã qua đời, Châu Bá Thông tấm lòng trẻ thơ, không có tham vọng “đệ nhất thiên hạ” nên không tham gia, Toàn Chân giáo không còn người đại diện. Đoàn Trí Hưng vì thất tình đã xuống tóc đi tu, không còn vướng bận với chữ “danh” nên cũng vắng mặt.

Nhung cuoc ty thi noi tieng trong tieu thuyet Kim Dung, Co Long-Hinh-3

Tây Độc Âu Dương Phong trong phim truyền hình Xạ điêu anh hùng truyện bản 2017. Ảnh: Sina. 

Chỉ còn Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và chàng cao thủ trẻ tuổi Quách Tĩnh tranh tài. Người yêu Quách Tĩnh là Hoàng Dung bày kế ép Đông Tà và Bắc Cái lần lượt giao đấu với Quách Tĩnh, nếu không hạ được chàng trong vòng 300 chiêu sẽ phải chấp nhận thất bại.

Quách Tĩnh còn trẻ, nội lực thua xa các bậc tiền bối, nhưng học được Hàng long thập bát chưởng của Hồng Thất Công, học thêm Không minh quyền từ Châu Bá Thông, lại tinh thông cả những tuyệt học của Cửu Âm chân kinh. Do đó chàng đủ sức đương cự sư phụ và cha vợ trong 300 chiêu. Nhưng rốt cuộc cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần hai kết thúc theo cách không ai ngờ nổi.

Âu Dương Phong thình lình xuất hiện, vốn chỉ ngang tài với Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công, nhưng vì luyện Cửu Âm chân kinh ngược lối (bị Hoàng Dung lừa), bị tẩu hỏa nhập ma, trở thành vô cùng quái chiêu lợi hại, khiến cả ba đại cao thủ luống cuống chân tay, không biết chống cự ra sao. Đã có lúc Đông Tà tính cam bái hạ phong.

Cuộc tỷ thí này kết thúc mà không bầu ra được thiên hạ đệ nhất. Nhưng cũng có thể tranh luận rằng Hoàng Dung mới là người giành chiến thắng. Không cần ra chiêu, chỉ bằng lời lẽ sắc bén thông minh, nàng đã khiến Tây Độc phát điên phát cuồng, vứt bỏ tất cả để tháo chạy.

Đại sư Mông Cổ thách thức võ học Trung Nguyên

Cuộc đấu giữa thầy trò Kim Luân pháp vương của Mông Cổ với giới cao thủ võ lâm Trung Nguyên trong Thần điêu hiệp lữ cũng là một minh chứng của thủ pháp nghệ thuật hóa võ công điển hình của tác giả Kim Dung. Mở màn, tể tướng Đại Lý Chu Tử Liễu giao đấu với vương tử Mông Cổ Hoắc Đô, đệ tử của Kim Luân pháp vương.

Nhung cuoc ty thi noi tieng trong tieu thuyet Kim Dung, Co Long-Hinh-4

Tiểu Long Nữ do Lưu Diệc Phi thủ vai. Ảnh: Sina. 

Chu Tử Liễu tinh thông Nhất dương chỉ của Đại Lý, phối hợp tuyệt kỹ này với thư pháp, khi ra trận sử dụng cây bút làm vũ khí, khiến Hoắc Đô tán loạn. “Chỉ thấy cây bút cứ chao động, trong thư pháp có điểm huyệt, trong điểm huyệt có thư pháp, lợi hại vô cùng, vừa oai hùng lại vừa uyển chuyển”, trích Thần điêu hiệp lữ. Quần hùng bên ngoài không ai hiểu, chỉ Hoàng Dung thông tuệ biết rõ Chu Tử Liễu dùng bút pháp “bia văn Phòng Huyền Linh” và “Tự ngôn thiếp”.

Chu Tử Liễu bất ngờ thất bại do Hoắc Đô dùng ám khí, cuối cùng Tiểu Long Nữ ra sân đấu với Kim Luân pháp vương. Đệ tử Cổ Mộ phái sử dụng dải lụa buộc quả cầu thép, phát âm thanh tinh tang lúc nhanh lúc chậm như một bản nhạc.

Kim Dung giải thích: “Những lúc nhàn nhã trong tòa nhà mồ, Tiểu Long Nữ dựa vào bản cầm phổ do Lâm Triêu Anh để lại mà gảy đàn, nghe rất hay. Sau đó khi luyện dải lụa, thấy quả cầu phát ra âm thanh rất có tiết tấu, cũng là do tâm tính thiếu nữ, nàng bèn đem thứ nhạc ấy phổ vào võ công”.

Tông sư võ học Mông Cổ cũng không chịu kém, rung lắc kim luân, “thế là cả đại sảnh tràn ngập âm thanh, lên trầm xuống bổng”. Nghệ thuật hóa võ công như vậy, trong số hàng trăm tác giả tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc chỉ có Kim Dung. Chính những sáng tạo khác biệt ấy đã khiến ông trở thành “minh chủ võ lâm” của thế giới tiểu thuyết võ hiệp.

Thiết kiếm đấu phi đao

Trên thực tế, các cuộc phân tài cao thấp thuần túy không xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết Kim Dung, ngược lại với truyện của Cổ Long. Rất nhiều nhân vật của Cổ Long có thân thế bí ẩn, võ công bí ẩn, xuất hiện trên giang hồ chỉ để cầu danh, nên luôn đòi tỷ thí với những cao thủ nổi tiếng.

Một trong những cuộc tỷ thí nổi tiếng trong tiểu thuyết Cổ Long là trận chiến giữa Thiết kiếm Quách Tùng Dương và Tiểu Lý phi đao Lý Tầm Hoan ở cuốn Đa tình kiếm khách vô tình kiếm, tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn tài hoa bạc mệnh.

Nhung cuoc ty thi noi tieng trong tieu thuyet Kim Dung, Co Long-Hinh-5

Tiêu Ân Tuấn trong vai Lý Tầm Hoan phim Tiểu Lý phi đao. Ảnh: Sina. 

Khác với Kim Dung hay Lương Vũ Sinh, Cổ Long thiếu sự hiểu biết sâu rộng về võ thuật Trung Quốc, nên không thể viết chi tiết chiêu thức như hai bậc tiền bối. Cổ Long chọn hướng riêng, mô tả trận đấu rất hấp dẫn, không liệt kê chiêu thức mà tả hoàn cảnh, không khí khẩn trương căng thẳng, đem lại hiệu quả thị giác sinh động.

Cuộc đấu giữa đao thủ Lý Tầm Hoan và kiếm khách Quách Tùng Dương là ví dụ điển hình. “Gió thổi mạnh hơn, quyện qua lá rừng, khua động cành cây, tốc những cành lá vàng tung lên như những cành hoa màu máu. Thanh kiếm của Quách Tung Dương vung lên và bay rít theo gió, một ánh lóng lánh màu đen, hơi kiếm lạnh tấp thẳng vào yết hầu họ Lý”.

“Kiếm và người đã hợp thành lại một. Những đợt lá còn sót lại trên cành cây bị hơi kiếm bức rơi lả tả. Những đợt lá màu đỏ sậm vừa bị bức rơi lại bị lưỡi kiếm xắt nát và bung lên y như một đám mưa máu chập chùng. Quang cảnh thật đẹp mắt mà cũng thật rợn người”, trích Đa tình kiếm khách vô tình kiếm.

Trong Đa tình kiếm khách vô tình kiếm và các tiểu thuyết khác của Cổ Long còn có những cuộc đấu với phong cách đặc sắc tương tự như cuộc tỷ thí giữa bang chủ Kim Tiền bang Thượng Quan Kim Hồng với Thiên Cơ lão nhân, trận chiến sống chết giữa đạo soái Sở Lưu Hương với Thạch Quan Âm hay Thủy Mẫu Âm Cơ...