Những đại dịch toàn cầu kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại
Thế giới từng phải đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo và có sức lây lan khủng khiếp, với con số tử vong có thể lên đến hàng triệu người trong một đợt dịch.
Theo Mai Phương/Zing
Xem toàn bộ ảnh
Dịch MERS: Năm 2012, một loại virus mới bắt nguồn từ lạc đà xuất hiện ở Trung Đông và từng bước trở thành đại dịch toàn cầu. Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) hiện lan truyền với tốc độ đáng sợ. Từ năm 2012, dịch MERS đã có mặt tại 25 quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê, tính đến ngày 7/6, 1.179 người nhiễm virus MERS, 442 người tử vong. Riêng Hàn Quốc, nơi được xem là "ổ dịch", 95 ca nhiễm bệnh và 7 trường hợp đã chết vì căn bệnh này. Ảnh: CNN
Dịch Ebola:Đại dịch Ebola là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại trong năm 2014. WHO xác nhận gần 7.000 trường hợp tử vong vì virus này. Sức tấn công mạnh của đại dịch khiến 70% dân số Tây Phi nhiễm bệnh. Ebola bùng phát mạnh mẽ nhất tại các vùng Guinea, Sierra Leone, Liberia. Hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa Ebola. Các hoạt động khoa học thử nghiệm vaccine đang được đẩy mạnh. Ảnh: Huffingtonpost
Cúm H1N1: Năm 2009, dịch cúm H1N1 xuất hiện và gây chấn động toàn thế giới. Nó lan nhanh tới 214 quốc gia và khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Tháng 8/2010, WHO tuyên bố H1N1 là đại dịch toàn cầu. Ảnh: CNN
Dịch SARS: Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) do virus coronavirus gây ra. Trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh năm 2002 là người Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, dịch lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường hàng không. Khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 800 người tử vong. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm đều bị viêm phổi và lây nhiễm do tiếp xúc với chất dịch (đờm, nước mũi, nước bọt) từ người bệnh.
Đại dịch HIV/AIDS: HIV là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Nếu không có hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, những người bị HIV/AIDS sẽ dễ mắc phải những tổn thương khác, gây nhiễm trùng, dẫn đến tử vong. Virus lây lan qua máu và các chất dịch cơ thể. Hầu hết những người nhiễm virus đều qua quan hệ tình dục hoặc chia sẻ kim tiêm với người mang mầm bệnh. HIV/AIDS khiến 1,5 triệu người tử vong trong số 35 triệu người nhiễm bệnh. Ảnh: Asiasociety
Dịch cúm Tây Ban Nha: Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 là đại dịch toàn cầu lớn nhất với 500 triệu người, tức, một phần ba dân số thế giới vào thời điểm đó, nhiễm bệnh. Đại dịch làm khoảng 20-50 triệu người thiệt mạng, theo History. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, sau đó lan sang Mỹ và một phần châu Á. Nó nguy hiểm vì biểu hiện ban đầu chỉ tương tự cúm thường. Khi ở thể nặng, da bệnh nhân chuyển sang màu xanh, ho dữ dội dẫn tới ói mửa, tiểu tiện không tự chủ. Virus tấn công mạnh vào phổi và nhiều nạn nhân chết vì viêm phổi. Ảnh: Wikipedia
Dịch hạch: Dịch hạch là căn bệnh kinh hoàng với tỷ lệ tử vong cao trong lịch sử nhân loại, có tính truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn yersinia pestis gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm sang người qua vật trung gian là bọ chét. Người mắc bệnh có những triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, hoại tử và sưng hạch bạch huyết, đặc biệt ở nách và háng. Được mệnh danh là "Cái chết đen", thời kỳ 1346-1350, dịch hạch lan rộng làm rung chuyển châu Âu, Trung Đông, Nga và phía bắc châu Á. Hai phần ba số người nhiễm bệnh thiệt mạng chỉ trong vòng 4 ngày. Ảnh: Ibtimes
Dịch tả: Dịch tả có xuất phát từ thời cổ đại. Căn bệnh xuất hiện tại châu Á khoảng 600 năm trước Công nguyên và lần đầu tiên được giới y học ghi nhận vào năm 1563 tại Ấn Độ. Đại dịch xuất hiện trên các tuyến đường thương mại cả đường bộ lẫn đường thủy đến Nga năm 1817. Sau đó, nó lan sang các khu vực còn lại của châu Âu và Bắc Mỹ. Tổng cộng, khoảng 7 trận đại dịch tả xảy ra trong vòng 200 năm, lấy đi mạng sống của hàng triệu người. Ảnh: Nacoes
Đậu mùa: Đậu mùa là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất mà con người từng gánh chịu. Virus đậu mùa gây ảnh hưởng tới cuộc sống, tính mạng của con người từ hàng nghìn năm trước. Người mắc bệnh đậu mùa sẽ sốt cao, đau nhức cơ thể, phát ban với mụn cứng hoặc mụn mủ. Người bình thường nếu tiếp xúc với da hoặc dính phải các chất dịch từ cơ thể nhiễm bệnh cũng có nguy cơ mắc phải. Năm 1796, khi châu Âu đang xảy ra dịch đậu mùa, một bác sĩ người Anh đã thực hiện thành công thử nghiệm vaccine ngừa căn bệnh này, nhưng cho đến nay dịch bệnh này vẫn thỉnh thoảng bùng phát trở lại. Ảnh: Asylum