Thời gian gần đây, hàng loạt đại gia bán lẻ Thái Lan đã ồ ạt tấn công thị trường Việt. Cụ thể, tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart. |
Không dừng lại ở đó, giữa năm 2014, BJC cũng là đơn vị thỏa thuận mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD). Vào ngày 7/1/2016, hai bên đã chính thức hoàn tất thương vụ chuyển giao. Đây được xem là vụ mua bán- sáp nhập quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay. |
Tiếp theo đó, vào đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. |
Ngày 8/2/2016, Tập đoàn TCC của Thái đã tiến hành mua lại hệ thống kinh doanh Big C tại Thái Lan từ tay Tập đoàn Casino (Pháp). Theo đó, Casino đã đồng ý bán phần lớn số cổ phần trị giá 3,5 tỉ USD của tập đoàn này tại Big C cho tập đoàn TCC của Thái Lan. Như vậy, lại thêm một đại gia bán lẻ Thái Lan tiến vào thị trường tiêu dùng Việt. |
Cuối tháng 5/2016, thông tin Auchan – Tập đoàn sở hữu chuỗi siêu thị hàng đầu đến từ Pháp sẽ có mặt tại Trung tâm thương mại Mipec Long Biên, Hà Nội, khiến người tiêu dùng khá hào hứng. |
Với diện tích mặt bằng 2.400 m2, siêu thị Auchan Mipec Long Biên cung ứng tới 10.000 chủng loại sản phẩm tiêu dùng - gia dụng cho người dân Hà Nội với các mặt hàng phong phú, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong đó 80% là hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Auchan cũng cung cấp danh mục mặt hàng độc quyền của Auchan tại Mipec Long Biên. Như vậy, người Việt sẽ có cơ hội dùng hàng Pháp với giá bình dân. |
Thời gian gần đây, Tập đoàn Seven & I Holdings của Nhật Bản cho biết sẽ mở hệ thống siêu thị tiện lợi Seven Eleven tại Việt Nam. Theo kế hoạch, tập đoàn này ký kết hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chuỗi cửa hàng để mở siêu thị tiện lợi đầu tiên vào năm 2017. |
Hiện, nhiều người không còn xa lạ với chuỗi cửa hàng tiện lợi được cho là thành công nhất trong lịch sử thế giới 7-Eleven. Hiện, chuỗi 7-Eleven có mặt tại 17 quốc gia trên toàn thế giới với 56.400 cửa hàng, riêng Nhật Bản có hơn 15.000 cửa hàng. Đây được xem là chuỗi cửa hàng tiện lợi "đáng sợ" nhất thế giới bởi cứ 2 giờ trôi qua lại có một cửa hàng "mọc lên" trên khắp thế giới. |
Trước 7-Eleven, tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật đã thâm nhập thị trường Việt. Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản về doanh thu, hiện có 4 trung tâm thương mại và 54 siêu thị ở Việt Nam. Con số siêu thị Aeon ở Việt Nam nhiều gấp hơn 2 lần so với số cửa hiệu thực phẩm của công ty này ở Trung Quốc và chiếm 1/3 số siêu thị của Aeon ngoài thị trường Nhật. |
Tập đoàn Aeon có kế hoạch mở 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới 1,5 tỉ USD. Aeon Mall đầu tiên tại TP HCM được đánh giá là trung tâm mua sắm duy nhất trong nước có khu vực rộng lớn chuyên kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật. |
Tương tự, hệ thống các chuỗi cửa hàng Hàn Quốc và đặc biệt hệ thống Lotte Mart đến từ Hàn Quốc cũng là kênh đưa hàng nước này đến với người tiêu dùng Việt Nam rất nhanh và hiệu quả. Năm 2013, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc trên 14 tỉ USD, đứng thứ hai sau Trung Quốc. |
Kế hoạch của Lotte là đến năm 2020 khai trương tại thị trường Việt Nam 60 trung tâm thương mại. Nếu tính chi phí đầu tư mỗi trung tâm thương mại là 30-40 triệu USD thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ có thể lên tới hàng tỷ USD và chiếm vị trí hàng đầu tại Việt Nam. |
Tập đoàn Shinsegae của Hàn Quốc cũng đang tiến vào Việt Nam với chuỗi bán lẻ giá rẻ E-Mart. Chi nhánh đầu tiên của Shinsegae đã được mở vào cuối năm ngoái tại quận Gò Vấp. Việt Nam là chuỗi bán hàng thứ 2 của Shinsegae tại thị trường nước ngoài, sau Trung Quốc. |