Những dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang thừa tiền

Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng cao hơn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền khỏi thị trường là những dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa tiền.

Báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy thị trường đang bước đầu chịu những tác động từ dịch Covid-19.

Với hệ thống ngân hàng, ngành được cho là ít bị tác động bởi dịch bệnh thực tế lại chứng kiến những số liệu kém khả quan nhất trong nhiều năm.

Thừa tiền vì thiếu khách vay

Tính đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt vỏn vẹn 0,68% so với cuối năm 2019. Tạm tính, trong khoảng 80 ngày đầu năm, toàn hệ thống mới giải ngân thêm khoảng 55.700 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương chưa tới 700 tỷ đồng/ngày.

Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nửa thập kỷ qua của ngành ngân hàng, mà nguyên nhân trực tiếp là do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng tín dụng quý I thấp nhất là năm 2016 cũng đạt 1,54%, hơn gấp đôi số tăng trưởng năm 2020.

Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán cùng thời gian trên đã tăng 1,55%. Dù thấp hơn mức tăng cùng kỳ (2,54%) nhưng số tuyệt đối tăng trưởng trong quý I cũng đạt gần 163.900 tỷ đồng.

Như vậy, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm khoảng 108.000 tỷ đồng thanh khoản trong chưa đầy 3 tháng đầu năm (chênh lệch giữa mức tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng ra nền kinh tế).

Nhung dau hieu cho thay ngan hang dang thua tien

Nguồn:Tổng cục Thống kê.

Ngoài chênh lệch giữa tổng phương tiện thanh toán và tín dụng, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền khỏi thị trường từ đầu năm cũng cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa rất nhiều tiền.

Tính đến 20/3, cơ quan quản lý đã hút ròng hơn 147.000 tỷ đồng khỏi thị trường qua kênh tín phiếu. Trong khi đó, kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới và không có lượng đáo hạn.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lý giải động thái này cũng xuất phát từ tín dụng tăng trưởng kém giai đoạn đầu năm.

Theo SSI Research, xu hướng hút tiền của cơ quan quản lý tiền tệ đã được triển khai từ tuần giáp Tết Nguyên đán 2020. Trong đó, số dư tín phiếu đến cuối tháng 2 đã lên tới 120.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ 7/2018 đến nay.

Việc hệ thống ngân hàng dư thừa tiền kéo theo biểu lãi suất huy động vốn và cho vay của các ngân hàng liên tục giảm từ đầu năm.

Loại trừ yếu tố NHNN giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ giữa tháng 3, trong hơn 2 tháng trước đó, lãi suất tiền gửi các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể so với cuối năm 2019.

Báo cáo công bố cuối tháng 2 của BVSC cho biết lãi huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng đều có xu hướng giảm trong tháng 2. Trong đó, lãi suất nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) giảm trung bình 0,1%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,07%, và nhóm ngân hàng thương mại có vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,01%.

Sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng ngày 17/3, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động ở cả kỳ hạn dài.

Nhung dau hieu cho thay ngan hang dang thua tien-Hinh-2

Lãi suất ngân hàng liên tục giảm khiến thị trường hiện nay không còn mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5-8,8%/năm. Ảnh:Quỳnh Trang.

Toàn bộ lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều đã giảm so với đầu năm. Lãi tiền gửi 1 tháng hiện ở mức 4,3%/năm và tiền gửi 3 tháng giảm từ 4,8% xuống 4,75%/năm.

Hàng loạt ngân hàng thương mại như Techcombank, SHB, ACB, Sacombank, VPBank… đều điều chỉnh giảm 0,3-0,5% lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn.

Cùng với việc hạ lãi suất huy động, các nhà băng cũng giảm lãi suất cho vay với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp. Với động thái này, các ngân hàng đang muốn điều tiết lượng vốn vào từ hoạt động huy động vốn và tăng dòng tín dụng ra qua việc giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc các hoạt động sản xuất ngưng trệ khiến thị trường khó hấp thụ nguồn vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN, thừa nhận ngân hàng không thiếu tiền. Nhưng trong tình hình dịch bệnh, có doanh nghiệp nào muốn vay tiền thời điểm này hay không lại là chuyện khác.

“Dịch bệnh đã tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn. Trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống rất thấp, nghĩa là muốn cho vay mà cũng rất khó ở thời điểm này”, ông Hùng nói với Zing.vn hồi đầu tháng 3.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cũng cho biết 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng thậm chí đã giảm gần 2%. Trong đó, đà suy giảm này là do tính mùa vụ và ảnh hưởng rất mạnh từ dịch Covid-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu.

Không tiết lộ số tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, nhưng nhiều lãnh đạo ngân hàng lớn cũng thừa nhận tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm không đạt kế hoạch đề ra trước đó do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Thủ tướng lưu ý gói hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương

(Vietnamdaily) - Thủ tướng lưu ý các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…

Theo tin từ Cổng thông tin Chínhphủ, chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương.

Cuộc họp thảo luận bàn về 4 nội dung chính: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

SCB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 2.373 tỷ đồng

(Vietnamdaily) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố Kết quả hoạt động kinh doanh Quý I/2020.

Tính đến 31/03/2020, tổng tài sản SCB đạt 580.204 tỷ đồng, tăng 13.397 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thời điểm đầu năm 2020, nằm trong Top 5 Ngân hàng TMCP có quy mô hàng đầu cả nước.

Thu nhập lãi thuần SCB trong Quý I/2020 đạt 1.130 tỷ đồng, hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó các khoản thu nhập lãi thuần và các khoản tương đương tăng 24% so với cùng kỳ.