Cơn mưa chiều khiến vùng ven Sài Gòn chìm trong hoang vắng. Căn nhà mái tôn, tường gạch xơ xác trong con hẻm nhỏ ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM của bà Nguyễn Thị Gái (59 tuổi) vốn hiu quạnh càng thêm buồn bã.
Hơn 2.000 ngày trôi qua, người mẹ này chỉ tìm thấy con trong những cơn ác mộng. |
Nằm ủ dột, đu đưa trên chiếc võng, đôi mắt u buồn, ngước lên bàn thờ chồng nghi ngút khói nhang, bà Gái - người mẹ mất con đã hơn 6 năm - khẽ khấn nguyện “Ông ơi, ông có linh thiêng thì phù hộ cho con trai út của mình nó còn sống, sớm tìm về với tôi nhé ông”...
Tuổi thơ cơ cực của cậu bé bán vé số
Cầm những tấm ảnh cùng tờ chứng minh nhân dân của đứa con trai tên Nguyễn Minh Thừa (sinh năm 1992) trên tay, thỉnh thoảng bà Gái lại ôm chặt những “báu vật” này vào lòng, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ, bà nghẹn ngào nhắc đến đứa con bất hạnh của mình: “Vợ chồng tôi có 4 người con và Thừa là đứa con út”.
Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên vợ chồng bà Gái dù làm đủ thứ việc buôn gánh bán bưng, đi làm thuê làm mướn nhưng vẫn không đủ nuôi 4 đứa con nheo nhóc. Đã vậy chồng bà Gái còn suốt ngày rượu chè khiến gánh nặng càng đè lên vai người phụ nữ này.
Tuổi thơ đầy cơ cực của cậu bé hiếu thảo Nguyễn Minh Thừa khiến nhiều người hàng xóm vô cùng thương cảm. |
“Mấy đứa con lớn đều phải nghỉ học lao vào cuộc mưu sinh. Riêng thằng Thừa khi vừa lên 5, buổi sáng được đi trường mẫu giáo nhưng đến trưa cũng phải theo mẹ lê la khắp nơi cùng bán vé số”, bà Gái kể lại.
Năm Thừa lên 9 tuổi, thằng bé đen nhẻm, gầy còm… đã phải bỏ học để lao ra đời mưu sinh bằng sấp vé số rong ruổi khắp nơi. Thương mẹ khổ cực nên hàng ngày, Thừa bán cho bằng hết mới về dù có bữa phải giữa khuya, mưa giông gió giật em mới về đến nhà.
“Thằng nhỏ rất hiếu thảo với cha mẹ, hiền lành nên cả xóm ai cũng quý mến”, bà Nguyễn Thị Thuận, một người hàng xóm của bà Gái kể lại.
Năm 2008, chồng bà Gái qua đời, và từ đó Thừa làm đủ thứ nghề từ bán vé số, đi làm phụ hồ để kiếm tiền lo cho mẹ bệnh tật và bản thân. Điều mơ ước giản dị nhất của Thừa là cố dành dụm mua được chiếc xe máy để đi lại cho đỡ cực và sửa lại căn nhà siêu vẹo cho mẹ
Bữa cơm cá khô cuối cùng của mẹ
“Đi làm cho nhiều chủ thầu nhưng các công trình không ổn định. Cuối cùng, con tôi được một người đàn ông cùng xã tên Trung cũng là thầu xây dựng nhận vào làm và hàng ngày, vì không có xe nên con tôi được ông Trung chở đi”, bà Gái kể lại.
Sau buổi đi làm phụ hồ năm 2010, nam thanh niên này đã biền biệt bặt tích. Người mẹ già của Thừa vẫn hàng ngày trông ngóng đứa con trai út của mình trở về. |
Sáng sớm một ngày đầu tháng 4/2010, nghe con nói thèm ăn khô chiên nên bà Gái dậy sớm nấu cơm, chiên khô để con mang theo và như mọi ngày, Thừa được ông Trung đến đón.
Chiều tối hôm đó, Thừa không về nhà và người mẹ già cũng thấp thỏm nhưng nghĩ chắc con đi đâu đó chơi rồi ngủ lại nhà bạn.
Hôm sau, khi ông Trung đến đón thì bà Gái tá hoả khi nghe chủ thầu nói đã chở Thừa về từ chiều hôm qua. Theo ông Trung thì khi chở về đến ven QL22 đầu hẻm vào nhà, Thừa xuống xe còn ông thì chạy đi.
“Suốt nhiều tháng ròng đi khắp nơi tìm con, tôi và các anh chị của nó gởi đơn đến Công an xã, huyện trình báo việc mất tích của con nhưng đến nay hơn 6 năm ròng rã tung tích thằng Thừa vẫn bặt vô âm tín”, người mẹ già nghẹn ngào nói trong nước mắt.
Bà Gái nghẹn ngào kể lại những cơn ác mộng mà bà đã trải qua trong suốt gần 7 năm dài. Theo đó, trong giấc ngủ bà thấy con trai của mình trở về trong hình hài tiều tụy, đôi mắt thẫn thờ và miệng khẽ gọi "Mẹ ơi"…
(Còn nữa)