(Kiến Thức) - Đó là những địa điểm sẽ đem đến cho du khách trải nghiệm khó quên về sự đau đớn hoặc sợ hãi…
Thanh Bình (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28 đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM) là nơi du khách có thể cảm nhận nỗi đau và sự tàn khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam qua các hiện vật, hình ảnh với nội dung tố cáo sự hủy diệt của quân Mỹ, sự đàn áp phong trào đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, di chứng của chất độc màu da cam… Ngoài ra còn có các phòng trưng bày về Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vấn đề quần đảo Trường Sa... Ảnh: Jennifer Harvey.
Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) nổi tiếng với hàng nghìn bộ hài cốt nằm rải rác trong mọi ngóc ngách hang từ hàng trăm năm qua. Nhiều bộ xương đã được quy tụ trong một chiếc bể lớn đặt trong hang. Có nhiều giả thiết khác nhau về nguồn gốc các bộ xương như đây là xương của nghĩa quân Lữ Gia chống nhà Hán vào thế kỷ 2 TCN, nghĩa quân người Việt chống nhà Minh thế kỷ thứ 14, 15, hoặc của người dân địa phương khi chạy trốn quân Cờ Đen đến từ Trung Quốc cuối thế kỷ 19… Ảnh: VTC.
Vào mồng 6 Tết Âm lịch hàng năm, người dân thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh) lại tổ chức lễ hội chém lợn tế Thánh. Cao trào của lễ hội là khi hai chú lợn thờ bị chém đứt đôi bằng lưỡi đao, máu văng đầy ra sân trong sự hò reo phấn khích của đám đông chứng kiến. Kết thúc lễ, những người có mặt thường cầm tiền lẻ chấm vào máu lợn rồi mang về đặt lên ban thờ, cầu cho một năm may mắn và sung túc... Vì những cảnh tượng đẫm máu này mà nhiều người cho rằng đây là một lễ hội ghê rợn, cần chấm dứt. Ảnh: Thitbo.
Khu chứng tích Sơn Mỹ (hay Khu chứng tích Mỹ Lai) thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là nơi để tưởng nhớ về vụ thảm sát Sơn Mỹ (thảm sát Mỹ Lai) qua những hình ảnh kinh hoàng, những câu chuyện khủng khiếp, những cái tên khắc trên bia của hơn 500 nạn nhân bị quân đội Mỹ tàn sát tại khu vực này vào ngày 16/3/1968 trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bảo tàng Công binh (290 Lạc Long Quân, Hà Nội) là nơi trưng bày những vũ khí hủy diệt của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam như bom khổng lồ nặng 7 tấn, thủy lôi to như ô tô, bom “mẹ” chứa hàng trăm bom “con”… Sau chiến tranh, bom đạn của Mỹ còn sót lại ở Việt Nam đã khiến hơn 40.000 người chết, trên 60.000 người bị thương tật trong giai đoạn 1975-2000, trong đó có nhiều trẻ em. Việc làm sạch số đạn bom này sẽ còn đòi hỏi rất nhiều tiền của và thời gian…
Trại rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là một trung tâm nuôi rắn lớn chữa trị rắn cắn cho bà con khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây cũng được coi là một bảo tàng sống về loài rắn, nơi du khách có thể quan sát cuộc sống của hàng nghìn cá thể rắn thuốc nhiều loài khác nhau trong môi trường gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, những người bị “dị ứng” với loài rắn hẳn sẽ không muốn đặt chân đến nơi này chút nào. Ảnh: Ttandfriends.
Nhà tù Côn Đảo là một khu nhà tù tại quần đảo Côn Đảo (nay trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được coi là “địa ngục trần gian” dành cho các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với nhiều hình thức tra tấn, cực hình hà khắc không thua kém gì thời Trung cổ, dẫn đến cái chết đau đớn của rất nhiều người. Những mô hình phục dựng cảnh tra tấn tại đây sẽ khiến nhiều du khách phải “lạnh gáy”. Ảnh: Ngọc Viên.
Hỏa Lò là một nhà tù do thực dân Pháp lập ra tại trung tâm Hà Nội. Đây từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà cách mạng Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Những dãy xà lim tối tăm cùng chiếc máy chém – từng được dùng để hành hình rất nhiều chiến sĩ cách mạng - còn được lưu giữ tại khu di tích này sẽ đem lại trải nghiệm khó quên về một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc.
Nằm trên đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), nhà tù Phú Quốc là trại giam tù binh trung tâm của chế độ Sài Gòn trước 1975, nơi từng giam giữ hơn 32.000 tù binh trong Chiến tranh Việt Nam. Tù binh chiến tranh ở Phú Quốc phải chịu những hình phạt, tra tấn tàn khốc như đóng đinh vào tay, chân, đầu, chôn sống, đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng... Ngày nay, những cảnh tượng này được tái hiện khá chân thực tại khu di tích nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Xiabachao.