Khi mua sắm trực tuyến, 68% người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn cảm thấy “e ngại” và chỉ có 13% là cảm thấy tự tin. Người Thái và Việt Nam nằm trong số những người mua hàng trực tuyến nhiều lo lắng nhất.
Ngày nay, với những công nghệ bảo mật tiên tiến bậc nhất và sự hỗ trợ của mạng lưới các ngân hàng cũng như các đối tác rộng khắp, thẻ tín dụng được xem là một phương pháp thanh toán an toàn, nhanh chóng và cực kỳ tiện lợi cho người tiêu dùng, dù trong trường hợp mất thẻ hay tiền trong thẻ bị sử dụng trái phép, người dùng vẫn có thể yêu cầu hoàn lại tiền được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên biết những cách chủ động bảo vệ thẻ của mình khi mua hàng trên mạng để tránh những rắc rối có thể xảy ra.
Lựa chọn trang web mua hàng uy tín
Hãy mua sắm hay đặt hàng từ những trang web có biểu tượng ổ khoá trên thanh browser. Nếu địa chỉ website bắt đầu bằng “https” (“s” nghĩa là an toàn), nó sẽ đảm bảo bất kỳ thông tin nào bạn nhập vào đều được bảo mật.
Cửa hàng nào càng ghi rõ ràng thông tin để liên hệ như số điện thoại, địa chỉ mua và đổi trả hàng, thông tin chi tiết về sản phẩm thì sẽ được ưu tiên hơn. Một số hệ thống mua sắm quốc tế còn cho phép người mua quay trở lại đánh giá về chất lượng của sản phẩm và cửa hàng, nên hãy tìm hiểu những thông tin phản hồi của người mua để cân nhắc về độ tin cậy cũng như chất lượng của sản phẩm.
Ảnh minh họa. |
Sử dụng mật khẩu khác nhau cho từng tài khoản và ghi chú mật khẩu vào sổ tay
Theo một nghiên cứu gần đây của Mastercard, có đến 84% người dùng không nhớ mật khẩu của mình vì họ phải nhớ quá nhiều mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau. Vì vậy, để giảm thiểu việc ghi nhớ, người dùng có xu hướng sử dụng từ 1 đến 2 mật khẩu giống nhau cho tất cả các tài khoản trên mạng của mình.
20% người dùng đặt mật khẩu theo ngày sinh nhật, 18% đặt theo tên thú cưng, 12% là tên riêng của mình - những mật khẩu như vậy rất dễ cho hacker đoán.
Vì vậy, hãy sử dụng những mật khẩu khác nhau cho từng tài khoàn, và luôn nhớ thay đổi mật khẩu thường xuyên nhằm giảm thiểu rủi rỏ thông tin bị mất cắp. Giữ mật khẩu thật kỹ càng, hãy ghi chú ra giấy và cất kỹ, hạn chế ghi vào điện thoại vì trong trường hợp điện thoại bị mất thì kẻ gian dễ dàng biết được các thông tin nhạy cảm. Cuối cùng, hãy đảm bảo chúng không dễ dàng đoán được.
Vấn đề bảo mật cho thẻ thanh toán luôn được các công ty công nghệ xử lý thẻ như Mastercard không ngừng nâng cấp và cải tiến. Trong tương lại, bạn sẽ sử dụng một chiếc thẻ có công nghệ bảo mật và an toàn nhiều lớp tiên tiến nhất như: quét vân tay, nhận diện khuôn mặt, điện tâm đồ… để thậm chí có thể kiểm tra gần như mọi thông tin của bạn tại thời điểm và địa điểm bất kỳ.
Đăng ký dịch vụ thông báo tin nhắn qua điện thoại
Khi mở tài khoản tín dụng tại ngân hàng, hãy dành thêm một vài phút để đăng ký nhận tin nhắn thông báo ngay khi có sự thay đổi trong tài khoản. Chỉ với một chi phí cộng thêm ít ỏi không đáng là bao, nhưng mỗi khi có một sự thanh toán bất thường nào diễn ra bạn cũng có thể ngay lập tức biết được và liên hệ với ngân hàng để vô hiệu hóa giao dịch hoặc tạm dừng hoạt động của thẻ.
Luôn thoát khỏi ứng dụng, trang web, xóa lịch sử truy cập
Khi sử dụng máy tính công cộng hay dùng chung máy, luôn nhớ thoát khỏi ứng dụng (email, tài khoản mạng xã hội…), xoá lịch sử truy cập và những tập tin Internet tạm thời trước khi rời khỏi máy. Làm như vậy sẽ giúp đảm bảo thông tin thẻ thanh toán không bị lộ ra ngoài. Lưu ý, đừng bao giờ để website ghi nhớ mật khẩu của bạn.