Ông là thương binh 1/4, những chuyến đi của ông gắn với chiếc xe lăn bởi đôi chân đã bị “cắt cúp” đến phần đùi, minh chứng của hậu quả chiến tranh. Lập doanh nghiệp từ khi đất nước mới đổi mới, nhiều năm bươn chải, ông giám đốc Phạm Ngọc Kỷ đã có một công ty lớn mạnh hoạt động đa lĩnh vực. Những đóng góp của ông cho xã hội, nhất là công tác tri ân các anh hùng liệt sỹ được nhiều người nhắc đến nhưng có lẽ nhắc đến giám đốc Phạm Ngọc Kỷ, tôi lại bị cuốn hút hơn khi nghe ông kể thời kỳ dẹp loạn bến Khuể, và mối duyên tình trời định...
|
Thương binh Phạm Ngọc Kỷ tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa. |
Giang hồ đất cảng phải... nể
Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp giám đốc Phạm Ngọc Kỷ tại Hải Phòng. Tôi điện thoại cho ông trước nửa tuần, do vậy cứ đúng ngày hẹn tôi lên xe Hoàng Long về Hải Phòng. Xe lăn bánh khá xa Hà Nội, tôi mới gọi điện lại cho giám đốc Kỷ. Ông đang trên đường đi Hải Dương có việc, nghe nói có nữ phóng viên đến nên huỷ cuộc gặp tại Hải Dương. Vừa đến bến xe, tôi đã được ông đón. Câu đầu chào hỏi tôi ông khôi hài: “Vì là nữ phóng viên nên tôi quay lại, chứ là nam thì hôm nay không gặp được tôi đâu. Tôi vốn không bao giờ muốn phái đẹp phải thất vọng về mình”. Lần này, không phải xuống Hải phòng, tôi gặp ông giữa Hà Nội khi ông đến tham gia Hội hỗ trợ Gia đình Liệt sỹ và trao 200 triệu đồng tặng quỹ này.
Ngược lại thời gian, ông Phạm Ngọc Kỷ nhớ lại: “Đúng năm 1978 khi tròn 19 tuổi tôi nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện ở miền Bắc, tôi cùng đoàn quân thẳng tiến vào bảo vệ biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, thuộc tiểu đoàn 2, Trung đoàn 3 (Đoàn B30, Quân khu 9). Năm 1979, tôi tham gia chiến đấu, giải phóng đất nước Cam-pu-chia khỏi hoạ diệt chủng. Trong một trận chiến đấu tại Công Pông Xpư, tôi bị một mảnh đạn địch găm vào đốt xương ở gần cuối cột sống, làm đôi chân liệt hoàn toàn”.
Sau hơn 3 năm điều trị tại Bệnh viện 121, ông trở về quê hương đất cảng thân yêu. Thời kỳ ấy, kinh tế khắp cả nước còn khó khăn lắm. Năm 1986, Bến Khuể (huyện An Lão, Hải Phòng) quê của ông nổi tiếng là địa bàn phức tạp với đủ các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Cứ vài ngày lại xảy ra vụ thanh toán, tranh giành lãnh địa làm ăn của các đối tượng giang hồ. Người dân (nhất là dân buôn bán) mỗi lần qua bến Khuể đều nơm nớp lo sợ nạn "xin đểu", trấn lột, cướp bóc.
Đầu năm 1986, dân anh chị ở bến Khuể ngạc nhiên khi thấy một thương binh hỏng cả hai chân, ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ. Trông vẻ mặt hiền lành nhưng nghiêm nghị, người thương binh ấy đã tập hợp lực lượng thiết lập trật tự mới cho bến Khuể. Sau những cuộc đấu sức, đấu trí, bản lĩnh của người thương binh được khẳng định, những tay giang hồ hặc chuyển đi nơi khác hoặc phải tu tâm dưỡng tính, tôn Phạm Ngọc Kỷ thành “đại ca”. Ông không thích mọi người gọi là “đại ca” cũng như sau này thành giám đốc không thích hai chữ “đại gia” bởi theo lý giải của ông nó đậm chất giang hồ. Ông là người nóng tính, lại thấy việc "bất bình chẳng tha", nên đã làm nhiều việc khiến nhân dân cảm phục nhưng cũng gây "chấn động" ở bến Khuể. Ông còn kể chuyện cho một người (tự xưng) là cán bộ của ngành Thể thao- Văn hoá một bài học khi “khộng khệnh” đi qua bến Khuể coi thường anh em thương binh và người dân...
Vùng quê xã Chiến Thắng (Anh Lão- Hải Phòng) nể tiếng ông từ ngày ấy cho đến tận bây giờ. Nhà ông Kỷ ở quê ô tô đỗ ngoài cửa, nhà không cần khoá nhưng không một tay trộm chuyên nghiệp hay tên trộm vặt nào dám bén bảng đến. Còn nói về chuyện dẹp loạn Bến Khuể, ông nói: “Có gì to tát đâu, mình thu phục lòng người bằng chính nghĩa và chữ tâm thôi”! Thực tế, bằng lời lẽ thuyết phục đầy chất lính, ông đã khiến trái tim chai đá và tâm hồn cằn cỗi của nhiều tay anh chị ở bến Khuể mềm lòng. Rồi ông được bầu làm Đội trưởng Đội bảo vệ bến Khuể.
|
Cô gái xinh đẹp ngày nào vẫn nhuận sắc và luôn yêu thương chồng hết lòng. |