(Kiến Thức) - Nhiều người có ác cảm với thạch sùng vì thân hình mềm mềm của nó nhưng thực sự đây là một loài bò sát có ích.
Hà Nguyễn (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Thạch sùng là loài bò sát rất quen thuộc với con người. Có chiều dài từ 7,5cm đến 15cm, chúng thường bò trên tường, trần nhà tìm thức ăn như ruồi, muỗi, nhện, kiến, gián,...Vì vậy nó được coi là con vật có ích, giúp hạn chế các loại côn trùng gây hại, gây bệnh truyền nhiễm.
Thạch sùng thường săn mồi vào ban đêm, kiếm ăn bằng cách di chuyển trên các vách tường, nằm im và chờ đợi các con mồi. chúng có tuổi thọ khoảng 5 năm.
Ông bà ta cho rằng tiếng kêu “chách chách” của thạch sùng là tiếng kêu thể hiện sự buồn bã, tiếc của khiến người ta thấy buồn tủi, dễ mủi lòng và xúc động. Do đó, nhiều người cho rằng tiếng kêu của thằn lằn mang điềm không lành.
Còn theo các nhà khoa học, thạch sùng cất tiếng kêu chỉ là một cách để chúng giao tiếp với nhau hoặc thu hút con cái mà thôi.
Mặc dù là loài con vật rất có ích nhưng với nhiều người thạch sùng vẫn gây ác cảm vì thân hình mềm mềm của chúng hoặc vì chúng "ăn vụng" thức ăn hoặc nước uống không được đậy kỹ trong nhà.
Ở một số nước phương Tây và ở Mỹ, thạch sùng còn được nuôi như một loại "thú cưng" cho trẻ em, bởi người ta ấn tượng với khả năng bám được trên những bề mặt hoàn toàn bằng phẳng của chúng.
Thạch sùng đôi khi cũng cắn người. Tuy nhiên, nó tấn công con người chỉ là để tự vệ. Thạch sùng không có nọc độc, nhưng người bị cắn cần vệ sinh vết thương để tránh bị nhiễm trùng.