Những kịch tính ít biết tại Đại hội Cổ đông Sacombank
(Kiến Thức) - Đại hội Cổ đông Sacombank tuy đã ngã ngũ song vẫn để lại nhiều dư âm bởi có lẽ đây là kỳ đại hội kịch tính nhất trong lịch sử 26 năm của ngân hàng này.
Sau nhiều lần trì hoãn, Đại hội Cổ đông Sacombank (ĐHCĐ) thường niên năm tài chính 2015 - 2016 đã được diễn ra và hoàn tất. Chiếc ghế Chủ tịch đã thuộc về ông Dương Công Minh và ban HĐQT mới đã lộ diện. Tuy kết quả không có nhiều bất ngờ song trong suốt phiên họp, có không ít kịch tính ngoài dự đoán của nhiều người. Kiến Thức tổng hợp lại những diễn biến này.
Cổ đông mong mỏi sự trở lại của ông Đặng Văn Thành -"cha đẻ" Sacombank
Ngay trước khi ĐHCĐ Sacombank diễn ra, Dương Công Minh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Hầu hết dự đoán đều cho là ông Minh sẽ ngồi vào "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, ngay khi đại hội diễn ra, dư luận bất ngờ khi cái tên Đặng Văn Thành lại được nhiều cổ đông nói đến, với kỳ vọng ông Đặng Văn Thành trở lại.
Ông Đặng Văn Thành là người có công lớn trong việc sáng lập Sacombank. Sau khi ông Thành rời Sacombank, ngân hàng này bắt đầu rơi vào giai đoạn suy trầm và đối diện với nhiều khó khăn. Vì thế, dễ hiểu là trong giai đoạn này, nhiều cổ đông đang rất mong chờ sự lại của ông Đặng Văn Thành với hy vọng ông Thành sẽ đưa Sacombank trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây.
Tại ĐHCĐ, nhiều cổ đông đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn ông Đặng Văn Thành trở về lại Sacombank. "Xin cho chúng tôi biết ông Đặng Thành có trở lại mái nhà chung không?. Ông Thành là người sáng lập nên tâm huyết với ngân hàng" là ý kiến được nhiều cổ đông đưa ra.
|
ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank năm tài chính 2015 - 2016. Ảnh: Vietnambiz. |
Đại hội "nóng" vì ông Trầm Bê
Cái tên Trầm Bê cũng được ĐHCĐ Sacombank nhắc đến nhiều lần. Nhiều cổ đông đặt câu hỏi về sự vắng mặt của ông Trầm Bê. “Tôi đề nghị phải mời ông Trầm Bê đến, đồng thời cũng phải làm rõ trách nhiệm tại sao lại sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank? Cổ đông chúng tôi không đồng ý, tại sao bây giờ nợ xấu, thua lỗ lại do cổ đông chúng tôi è cổ chịu thiệt hại?”, báo Dân Việt dẫn lời một cổ đông.
Nhiều cổ đông khác tiếp tục chất vấn về vai trò của ông Trầm Bê khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank khiến đại hội căng thẳng. Đại diện HĐQT giải thích với cổ đông rằng ông Trầm Bê hiện nay không còn liên quan, không còn cổ phần, hết quyền lợi với ngân hàng nên ông Bê không tham gia đại hội.
Trong khi đó, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Sacombank, chuyển lời của Trầm Bê xin lỗi cổ đông "vì chúng tôi đã đi chệch đường".
|
Tân Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh phát biểu tại đại hội. Ảnh: Vietnambiz. |
Nghi ngại ông Dương Công Minh
Tại ĐHCĐ, không ít cổ đông nghi ngại về vai trò của ứng viên sáng giá nhất cho ghế Chủ tịch là ông Dương Công Minh vì đại gia này đang liên quan đến chuyện sân bay Tân Sơn Nhất, có khả năng sẽ thu hồi. "Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến ngân hàng trong tương lai gần hay không", không ít cổ đông đặt câu hỏi.
Mặc dù vậy, phần lớn cổ đông đều ủng hộ ông Minh. "Việc sân golf Tân Sơn Nhất đã được cho phép đầu tư, nhưng giờ sân bay căng như thế thì việc thu hồi chắc chắn thôi. Nhưng đây là việc khác, tôi đồng ý ông Minh trong HĐQT vì ông Minh có năng lực, đã thể hiện qua việc điều hành phát triển LienVietPostBank", một cổ đông bày tỏ.
Bất chấp những ý kiến trái chiều, ông Dương Công Minh vẫn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank với tỷ lệ phiếu bầu khá cao.
Tại sao ông Dương Công Minh trúng cử với tỷ lệ 198%?
Ở nhiều doanh nghiệp, và Sacombank hôm nay là một ví dụ điển hình, việc bầu cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát trong đại hội cổ đông được tiến hành theo phương thức bỏ dồn phiếu.
Theo phương thức này, cổ đông có quyền sử dụng tổng số quyền bầu cử của mình cho một ứng cử viên; hoặc một số ứng cử viên với số lượng bầu cho mỗi ứng cử viên không bắt buộc phải bằng nhau; hoặc chỉ bầu một phần tổng số quyền bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên, phần quyền bầu còn lại cho bất kỳ ứng cử viên nào. Số lượng ứng viên được bầu trong mỗi phiếu không vượt quá số lượng tối đa được phép bầu.