Mới đây nhất, kho hàng tại địa chỉ số 8 Phạm Văn Xảo (quận Tân Phú) chứa hàng trăm tấn hải sản đông lạnh vừa bị tịch thu do không rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Ngày 16/8, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận Tân Phú (TP HCM) phát hiện kho đông lạnh của bà Lê Thị Tuyết Phương (SN 1971) bao gồm tôm, chả cá, càng cua, bọc tôm, cá trứng… không có nhãn hiệu, không nơi xuất xứ, có lô hàng ghi nơi cung cấp Trung Quốc và không có hạn sử dụng, ngày đóng gói. |
Kho hàng rộng 6m, có sức chứa 800kg hải sản đông lạnh. “Phần lớn hàng tôi mua từ khắp nơi trên thị trường sau đó đóng gói mới bán lại”, bà Phương nói. Sau khi bị đoàn kiểm tra phát hiện, bà Phương đã đồng ý tiêu huỷ 317 kg hải sản và 8 kg nhãn mác tự in ấn. |
Chiều ngày 1/8, lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cho tiêu hủy hơn 8 tấn cá có hàm lượng cadimi vượt mức cho phép trong hải sản tại 4 kho đông lạnh trong địa bàn tỉnh. Đó là số lượng hải sản do ngư dân đánh bắt được sau sự cố Formosa xả thải khiến cá biển chết hàng loạt. |
Kết quả lấy mẫu cá tại các kho hải sản đông lạnh ở Hà Tĩnh gửi đến Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để kiểm tra độc tố, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 8 tấn cá các loại tại 4 kho đông lạnh có chất cadimi vượt ngưỡng cho phép. |
Trước đó, tháng 5/2016, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Trị đã tiến hành lẫy 105 mẫu hải sản để xét nghiệm các chỉ tiêu hóa chất. Kết quả cho thấy, chỉ riêng mẫu cá nục phát hiện chất Phenol tại kho đông lạnh của hộ kinh doanh bà Lê Thị Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) có kết quả xét nghiệm với lô cá nục là 0,037 mg/kg. Đây là một chất cực độc, nằm trong danh mục cấm sử dụng trong thực phẩm. |
Theo kết quả xét nghiệm, lô hàng này có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg, khi ăn vào không ngộ độc ngay, nhưng sẽ gây tiềm tàng về sau cho người tiêu dùng. Các chuyên gia về hóa học và thực phẩm đều đã xác nhận đây là chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, Chi Cục đã báo cáo lên Sở Y tế, UBND tỉnh Quảng Trị và thống nhất sẽ tiêu hủy lô cá nục gồm 30 tấn này. |
Cũng trong tháng 5, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Vũng Tàu đã tiêu hủy gần 100 kg hải sản chứa hàn the tại sạp bán đồ hải sản trong chợ du lịch, TP Vũng Tàu. |
Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tổ chức đoàn kiểm tra các cơ sở buôn bán hải sản tươi sống tại các chợ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn, qua đó đã phát hiện và tiêu hủy gần 100 kg hải sản chứa hàn the. |
Tháng 1/2016, Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng thực phẩm đông lạnh tại bãi An Hương, địa chỉ ngõ 219 Trung Kín, Cầu Giấy, Hà Nội và phát hiệt hàng loạt mặt hàng bốc mùi hôi thối. |
Quá trình làm việc, lực lượng liên ngành phát hiện trong kho hàng chục thùng, hộp xốp chứa các mặt hàng đông lạnh gồm: Thịt bò, các loại cá và thủy hải sản như mực, bạch tuộc, tôm, cua, ghẹ... đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối. Nhiều mặt hàng được bọc trong túi nilon không có nhãn mác, một số mặt hàng có dán mác chữ Hàn Quốc. |
Kho hàng không đăng ký giấy phép kinh doanh cũng như giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, công ty không có biển hiệu và bất kỳ giấy tờ pháp lý nào liên quan đến số hàng hóa trong kho. Sau đó, lực lượng chức năng đã tịch thu gần 5 tấn thực phẩm đông lạnh do Nguyễn Châu Phi làm chủ hàng, đồng thời lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều mặt hàng đắt tiền như cá hồi, cua hoàng đế cũng bị hư hỏng và hết hạn. |