Xem toàn bộ ảnh
Đây là một gian bếp, trông rất bình thường trừ việc nó nằm trên mặt nước, chính xác là nằm trên Biển Hồ, Campuchia. Như mọi căn nhà khác ở đây, nó đối mặt với hàng loạt nguy cơ mà dòng nước mang lại, đặc biệt trong mùa mưa. Vào cuối tháng 7, lúc nào cũng có việc cho Taing Hoarith làm với ngôi nhà của ông. Khi thì ông phải sửa lại bức tường lợp bằng lá cọ đã bị bão làm hư, khi thì ông phải dọn dẹp đám cây mọc trong nước. Đôi khi ông phải lặn xuống bên dưới căn nhà, miệng ngậm một ống cao su và chèn vào những hũ xi măng đang giữ căn nhà đứng vững trên nước. Ảnh: New York Times. |
Hoarith là người đàn ông làm nghề thủ công lành nghề nhất trên Biển Hồ. Mỗi buổi sáng, ông thức dậy lúc 5h, mua chén mì từ một chiếc ghe chạy ngang qua, cùng loại với chiếc ghe mà vợ ông, bà Vo Thi Vioh dùng để bán hàng rau. Sau khi bà đi rồi, ông cuốn tấm thảm trải nền lên rồi bắt đầu một ngày của mình. Ở ngoài kia, những người phụ nữ trên ghe bán từ bình ga, súp đến nước có ga. "Tôi biết rõ Biển Hồ như lòng bàn tay mình", ông nói. Ảnh: New York Times. |
Chong Koh, nơi Hoarith và vợ sống, là một trong hàng trăm ngôi làng nổi ở Tonle Sap, hệ thống sông và hồ ở Campuchia thường được biết đến với tên tiếng Việt là Biển Hồ. Các học giả độc lập cho biết có khoảng 400.000 - 1 triệu người sống tập trung ở vùng Biển Hồ và không được công nhận là công dân Campuchia. Bài điều tra của New York Times và Trung tâm Pulizer về Đưa tin Khủng hoảng cho thấy hoàn cảnh khó khăn của những người gốc Việt ở vùng Biển Hồ. Ảnh: New York Times. |
New York Times nhận định rằng rất dễ để quy kết rằng những ngôi làng nổi là hậu quả của những cuộc tị nạn chính trị. Dù vậy, lịch sử những ngôi làng này dài và có nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot, người "khám phá" Angkor Wat vào thập niên 1850 - dù nó chưa từng "thất lạc" trong mắt cư dân địa phương, từng ghi chép về một cộng đồng người sống trên sông ở Phnom Penh với khoảng 20.000 người, gấp đôi số người sống trên cạn. Ông diễn tả đó là một cuộc sống với những ghe thuyền nơi người Khmer lẫn người Việt sinh sống, buôn bán cạnh nhau. Ảnh: Getty. |
Ký ức của dân làng về lịch sử ngôi làng thường là qua trí nhớ và những lời kể chứ không được ghi chép. Một số người xác nhận ghi chép của nhà thám hiểm người Pháp rằng họ sống trôi nổi quá nhiều thế hệ để tránh bị tác động bởi việc làm nông khi mùa màng thất bát. Một số người nói họ từng có đất và trước đây chỉ thi thoảng sống trên nước. Một số khác lại nói họ vốn luôn sống trên thuyền để dễ bắt cá. Ảnh: New York Times. |
Những đứa trẻ không thể vào học các trường công lập, người lớn không mở được tài khoản ngân hàng, thi lấy bằng lái xe, vào công xưởng làm việc hay sở hữu nhà đất. Ảnh: New York Times. |
Những người gốc Việt này nói rằng họ thường phải hối lộ cảnh sát, quan chức, thậm chí là những người giả dạng nhà báo địa phương. Ảnh: New York Times. |
Một buổi sáng, nhà báo của New York Times cùng hai người gốc Việt, Samnang và Hoarith, đến thăm ngôi trường và ngôi chùa Việt mà những người làng Chhnok Trou từng lui tới. Trong ảnh, bàn thờ và ảnh chân dung đặt trong ngôi chùa người Việt ở Chhnok Trou. Ảnh: New York Times. |
Không giống người Khmer, người Việt không hỏa táng mà chôn cất người thân đã qua đời của họ. Những bia mộ là bằng chứng không thể xóa bỏ về sự hiện diện đã rất lâu của người Việt ở Biển Hồ. Ảnh: New York Times. |
Dòng nước luôn mang lại những hiểm họa. Samnang nói rằng đứa cháu 4 tuổi của anh đã chết đuối năm 2017 trong lúc cha mẹ đi làm. Những đứa trẻ dưới 5 tuổi ở đây, nếu bố mẹ chúng đủ tiền, sẽ được mặc áo phao. Những gia đình khác tự chế "phao cứu sinh" cho con họ, điển hình như một chai dầu xe rỗng được đeo vào cổ một đứa trẻ sơ sinh. Ảnh: New York Times. |
Cả Hoarith lẫn Samnang (ảnh) đều không muốn rời vùng hồ. Đôi lúc, Hoarith nghĩ rằng ông có thể sống với họ hàng của vợ ông tại Việt Nam. Nhưng ông muốn sống ở hồ. Đó là một vùng hồ mở, đầy hiểm nguy nhưng ông sẽ được ở gần tổ tiên của mình. Ảnh: New York Times. |