Những ngày cuối cùng ở trại Davis

Trại Davis là “một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị và quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch” như nhận xét trong cuốn“Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

LTS:Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Tuần Việt Nam giới thiệu những ngày cuối cùng ở trại Davis qua hồi ức (*) của ông Phan Đức Thắng - Nguyên Sỹ quan phiên dịch Đoàn Đại biểu quân sự Ban Liên hiệp bốn bên.
Ngày 26/4/1975, Phó trưởng đoàn Đại tá Võ Đông Giang đã chủ trì cuộc họp báo cuối cùng ở Trại Davis. Đây cũng là ngày mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, và là ngày Chính phủ Cách mạng lâm thời ra tuyên bố 9 điểm đối với Mỹ và 7 điểm đối với chính quyền Sài Gòn, thực chất là “tối hậu thư” buộc đối phương phải đầu hàng vô điều kiện. Phòng họp báo trong Trại Davis chật kín người đến dự. Họ đều cố tìm hiểu xem quân ta sẽ đánh tiếp ở đâu và có tấn công vào Sài Gòn không. Không một ai lên tiếng chất vấn hay tố cáo “Việt cộng” và “Bắc Việt” vi phạm Hiệp định Paris.
Nhung ngay cuoi cung o trai Davis
Hai đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại một phiên họp ở Trại Davis. Ảnh tư liệu 
Đây có thể coi là những ngày vui sướng nhất của anh em ta trong Trại Davis, bởi nhiệm vụ hết sức khó khăn là tranh thủ dư luận đã được thực hiện có kết quả, còn thắng lợi dồn dập trên chiến trường mở ra hy vọng là ngày chiến thắng đang đến gần và cũng gần đến ngày được trở về hậu phương với gia đình và với cuộc sống bình thường.
Trước đó, cùng với đà tiến công như vũ bão của đại quân ta từ Huế xuống các tỉnh duyên hải miền Trung, cuộc sống trong Trại Davis cũng trở nên khẩn trương hơn. Ngày 8/4/1975, Đảng ủy đơn vị đã quyết định đơn vị sẽ bám trụ chiến đấu bằng việc bắt đầu xây dựng một hệ thống trận địa hoàn chỉnh, vững chắc. Nhưng, mọi sinh hoạt của hơn 200 sĩ quan, chiến sĩ vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường.
Trại Davis là “một hàn thử biểu báo thời tiết chính trị và quân sự lúc này, đặt ngay trong lòng địch” như nhận xét trong cuốn“Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đấy là một nhiệm vụ mà Trại Davis được cấp trên giao phó, và các cán bộ có trách nhiệm luôn cố gắng hết sức để thực hiện, càng về những ngày cuối ở Sài Gòn càng khẩn trương hơn, khôn khéo hơn, và qua mọi kênh có thể.
Trong chuyến bay liên lạc cuối cùng từ Sài Gòn ra Hà Nội ngày 25/4/1975 trung tá tình báo Mỹ Harry Summers đi trên chuyến bay với Thượng tá Nguyễn Đôn Tự. Summers đã chủ động đến ngồi cạnh đồng chí Nguyễn Đôn Tự để thăm dò xem liệu phía ta có ý định tấn công lính thủy đánh bộ Mỹ đến gần bờ biển Việt Nam để hỗ trợ hoạt động di tản, liệu ta có “làm nhục” người Mỹ bằng cách tấn công vào Sài Gòn không...Thượng tá Nguyễn Đôn Tự khéo léo tìm hiểu ý tứ của Summers và cuối cùng đồng chí trả lời nhẹ nhàng: “Dường như người Mỹ các ông đã nhận ra mọi điều quá trễ!”. Chiều tối hôm đó, đồng chí Nguyễn Đôn Tự cùng tất cả các sĩ quan của ông đã trở về Sài Gòn đông đủ như để biểu lộ, dường như ta chưa sẵn sàng tổng công kích vào Sài Gòn.
Đại sứ Mỹ Martin và Giám đốc CIA của Mỹ ở Sài Gòn Thomas Polgar (người gốc Hungari) liên tiếp bắn tin qua phái đoàn Hungari trong Ủy ban Quốc tế đến hai đoàn ta trong Trại Davis. Trong cuốn “Decent Interval”, Frank Snepp - chuyên gia phân tích tình báo chiến lược của CIA ở Sài Gòn - có cả chục đoạn nói về chuyện “bắn tin” thăm dò từ Polgar qua và ngược lại. Những lần “bắn tin” như vậy đều xoay quanh những chuyện như, Mỹ biết Cộng quân đang tấn công ở đâu và biết họ sẽ tấn công tiếp ở đâu, nhưng Mỹ không can thiệp bằng quân sự cũng không muốn đổ máu thêm; rằng Mỹ muốn có một giải pháp thương lượng, muốn biết cụ thể điều kiện của phía bên kia, và Đại sứ Martin đã nhận được chỉ thị gặp trực tiếp đại diện của Việt cộng ở Trại Davis để thảo luận…
Những cuộc “bắn tin” qua lại khiến Martin và Polgar, đến giờ phút cuối cùng, dường như vẫn tin đại quân ta chỉ tấn công đến Biên Hòa rồi dừng lại để thương lượng trên thế mạnh và tìm giải pháp chính trị ở miền Nam. Đến sáng 29/4/1975, khi niềm tin trở thảnh ảo tưởng, Martin mới vội vã ra lệnh đốt hết hồ sơ lưu trữ, sổ sách tài chính của Đại sứ quán Mỹ và hối thúc sơ tán gấp người Mỹ và người Việt thân tín với Mỹ, trước khi ông ta vội vã leo lên chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh từ nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ để rời khỏi Việt Nam vào sáng sớm ngày 30/4/1975.
Những ngày cuối cùng, Trại Davis đã trở thành “địa chỉ đỏ” để chính quyền Sài Gòn tìm cách tiếp xúc, vừa để thăm dò ý đồ chiến lược của ta, vừa để làm chậm bước tiến như vũ bão của đại quân ta và tìm kiếm một vai trò nào đó trong tương lai chính trị ở miền Nam. Do Chính phủ Cách mạng lâm thời đã ra “tối hậu thư” cho đối phương (Tuyên bố ngày 26/4/1975), nên chúng ta thể hiện quan điểm rõ ràng để họ không còn ảo tưởng gì nữa.
Trưa ngày 29/4/1975, một đoàn 4 phái viên của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền đến Trại Davis, xin gặp Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn để bàn chuyện “bàn giao chính quyền”. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn cử đại diện ra gặp và trả lời họ rằng ông không có thẩm quyền để bàn vấn đề “bàn giao chính quyền”, rồi trao cho họ Tuyên bố ngày 26/4/1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, một đoàn khác gồm 2 người lại đến Trại Davis, đại diện của ta cũng trả lời họ như đã trả lời đoàn trước và trao cho họ Tuyên bố ngày 26/4/1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Lúc 17 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, đoàn thứ ba được đích thân ông Dương Văn Minh gửi đến Trại Davis (gồm Giáo sư Châu Tam Luân, linh mục Chân Tín và luật sư Trần Ngọc Liễng). Bởi họ đều là thành viên “lực lượng thứ ba” từng bị chính quyền Thiệu đàn áp và lúc này đại pháo ta đang bắn liên tục vào sân bay, nên lãnh đạo đơn vị đồng ý để Đại tá Võ Đông Giang tiếp với tư cách cá nhân. Hai bên nói chuyện thân thiện dưới căn hầm chỉ huy dự phòng, nhưng sau khi nghe đồng chí Võ Đông Giang nói chính quyền ông Dương Văn Minh nên đầu hàng vì tình hình không thể cứu vãn được nữa, thì họ xin phép ra về.
Lúc này pháo ta đang bắn cấp tập nên ta khuyên họ ở lại đến khi pháo ngớt sẽ về và họ đồng ý ở lại đến sáng ngày 30/4/1975. Khi pháo ta thưa dần, Đại tá Võ Đông Giang tiễn họ ra cổng thì cũng là lúc phân đội mũi nhọn của quân giải phóng tiến vào để tiếp quản Trại Davis. Hai chiến sĩ của phái đoàn ta được lệnh leo lên đỉnh tháp nước Trại Davis - điểm cao nhất ở khu vực xung quanh sân bay, để treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Lúc này là 9 giờ 30 phút sáng. Hai tiếng sau, lúc 11 giờ 30 phút, quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập và kéo lá cờ Mặt trân Dân tộc giải phóng lên nóc Dinh.
Ngày 2/5/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và tư lệnh của 5 cánh quân tập kết đông đủ ở trại Davis, để bàn bạc và ra quyết định về nhiệm vụ cấp bách của các lực lượng vũ trang sau khi tiếp quản Sài Gòn và toàn miền Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, tuyên bố: “Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh công nhận Đoàn đại biểu quân sự ta trong Ban liên hợp quân sự ở Trại Davis là đơn vị trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, Đoàn là mũi tiến công thứ 6 - mũi tiến công ngoại giao quân sự hết sức độc đáo, đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng có một cách nhìn tương tự: “Nhìn trên bản đồ tác chiến, năm cánh quân của ta như năm bông sen nở tung ra từ năm mục tiêu tấn công chủ yếu.... Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và đã gặp một cánh quân trụ sẵn ở đây: Phái đoàn quân sự ta ở Trại Davis, một cảnh gặp nhau lý thú, đầy xúc động...”
Sau 823 ngày đêm đấu tranh, hai Đoàn ĐBQS ta đã có ba đóng góp nổi bật nhất, đó là (i) thúc đẩy Mỹ rút hết quân và chấm dứt dính líu quân sự trực tiếp ở miền Nam, (ii) thực hiện việc trao trả tù quân sự và tù dân sự của các bên vị bắt trong chiến tranh, và (iii) vận động dư luận ngày càng chuyển biến có lợi cho cách mạng.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 12/9/2011 hai Đoàn ĐBQS ta đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đơn vị đầu tiên thuộc “binh chủng ngoại giao quân sự” được nhận danh hiệu cao quý này. Trại Davis được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 9/3/2017. Trong cả hai trường hợp, Bộ Ngoại giao đều là đơn vị ủng hộ rất sớm và tích cực.
(*) Bài viết của ông “Vai trò của ngoại giao quân sự trong đại thắng mùa xuân 1975: từ góc nhìn của các nhân chứng lịch sử” tại Tọa đàm khoa học “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng mùa xuân năm 1975: Vai trò của mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30/4” tổ chức gần đây tại Hà Nội.

Sóng ngầm trong hậu trường chính trị Sài Gòn tháng 4/1975

(Kiến Thức) - Trong cơn hấp hối của chế độ Sài Gòn, chính trường Sài Gòn tháng 4/1975 vẫn rộn lên những đợt sóng ngầm của các thế lực cả trong và ngoài nước.

Sài Gòn tranh tối tranh sáng

Sân bay có số phận đặc biệt nhất chiến tranh Việt Nam

(Kiến Thức) - Sân bay quân sự Lộc Ninh được đánh giá là có số phận rất đặc biệt thời chiến tranh Việt Nam vì nó gắn liền với sự kiện 30/4/1975.

San bay co so phan dac biet nhat chien tranh Viet Nam
 Nằm trên địa huyện Lộc Ninh, cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh 1km về hướng Tây, sân bay quân sự Lộc Ninh là nơi đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Tin mới