Cục máu đông là gì?: Cục máu đông thường hình thành sau chấn thương nhằm bảo vệ cơ thể khỏi mất máu quá nhiều. Tuy nhiên, cục máu đông cũng có thể hình thành trong động mạch hoặc tĩnh mạch dù không có chấn thương đáng kể nào. Nếu các cục máu đông không tự tan hoặc không được điều trị, chúng có thể gây biến chứng nguy hiểm. |
Theo nghiên cứu mới đây, COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở phổi của bệnh nhân. Thời gian chịu tác động kéo dài tới 6 tháng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
Thuyên tắc phổi xảy ra khi mạch máu trong phổi của bạn bị tắc nghẽn. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị nhanh chóng.
Bệnh có nhiều nguyên nhân, nhưng có khả năng do tình trạng chảy máu như huyết khối tĩnh mạch sâu và cục máu đông trong phổi, kể từ khi nhiễm đến 6 tháng sau đó.
Theo phân tích từ Thụy Điển, những người bị COVID-19 nặng và nhóm nhiễm trong đợt đầu tiên của đại dịch, có khả năng hình thành cục máu đông cao nhất.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh (BMJ) ghi nhận nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu lên đến 3 tháng sau khi nhiễm COVID-19 và hình thành cục máu đông trong phổi đến 6 tháng sau đó.
Các phát hiện cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin, cho thấy chủng ngừa không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn cả các rủi ro liên quan khác.
Mặc dù cục máu đông cũng có khả năng xảy ra sau khi tiêm chủng, nhưng theo một nghiên cứu do Đại học Oxford (Anh) đứng đầu, tỷ lệ này nhỏ hơn nhiều.
Triệu chứng của cục máu đông trong phổi
Việc phát hiện cục máu đông hình thành trong phổi có thể khó khăn. Điều đó thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào mức độ phổi bị ảnh hưởng hoặc kích thước của cục máu đông. Một số triệu chứng là đau ở ngực hoặc phía trên của lưng, khó thở, ho ra máu. Bạn cũng có thể bị đau, đỏ và sưng ở một bên chân, thường là bắp chân.
Thuyên tắc phổi nặng đe dọa tính mạng và có một số triệu chứng cần được điều trị khẩn cấp như nghẹt thở, tim đập rất nhanh…
Cách điều trị
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có cục máu đông trong phổi, bạn sẽ được đưa đến bệnh viện để làm các xét nghiệm và điều trị thêm.
Các bệnh viện thường tiêm thuốc chống đông máu để ngăn cục máu đông lớn hơn và giảm hình thành biến chứng mới.
Nếu các xét nghiệm xác nhận bạn bị thuyên tắc phổi, bạn sẽ tiếp tục tiêm thuốc chống đông máu trong ít nhất 5 ngày. Tiếp theo sẽ là một đợt dùng thuốc viên trong ít nhất 3 tháng. Tin tốt là nhiều người sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm.
Cục máu đông có thể là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ - hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ngày nay, các vấn đề liên quan đến cục máu đông ngày càng trở thành hồi chuông cảnh báo. Theo thống kê trên worldthrombosisday.org, cứ 4 người trên thế giới sẽ có 1 người tử vong liên quan đến huyết khối (cục máu đông). Điều này cho thấy, cục máu đông đang đe dọa sức khỏe của nhiều người.
Tình trạng huyết khối có thể gặp ở bất kì ai nhưng những nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn bao gồm: Người thừa cân, béo phì; Người hút thuốc lá; Phụ nữ mang thai; Người dùng thuốc tránh thai; Người ít vận động; Người mắc các bệnh nhiễm trùng...