Những nốt thăng trầm của ông Nguyễn Đức Chung

Ông Nguyễn Đức Chung có những hoạt động và phát ngôn “để đời” qua hơn 8 năm trên cương vị Giám đốc Công an và Chủ tịch TP Hà Nội.
 

Giám đốc Công an và dấu ấn qua những vụ án

Ông Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, quê quán tỉnh Hải Dương.

Ông Chung từng nhiều năm làm công tác điều tra hình sự, lần lượt giữ các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó giám đốc Công an TP, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội...

Nhung not thang tram cua ong Nguyen Duc Chung

Đại tá Nguyễn Đức Chung nhận quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải.

Ông từng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi 37 tuổi (năm 2004) và được phong hàm Thiếu tướng ngày 13/ 7/ 2013, khi mới 46 tuổi - Thiếu tướng trẻ nhất ngành công an thời điểm được phong quân hàm.

Vào tháng 9/2012, ông được chính thức bổ nhiệm làm Giám đốc Công an TP Hà Nội khi đang mang quân hàm đại tá. Ông Chung ngồi ghế Giám đốc Công an TP Hà Nội từ 2012-2016.

Trải qua 3 năm, 5 tháng, 20 ngày trên cương vị Giám đốc Công an TP, ông Chung đã trực tiếp tham gia cũng như chỉ đạo nhiều vụ án. Vào tháng 9/2014, ông đã thuyết phục thành công kẻ khống chế bắt giữ con tin tại quận Thanh Xuân.

Nhung not thang tram cua ong Nguyen Duc Chung-Hinh-2

Thiếu tướng Chung (ngoài cùng bên trái) thuyết phục thành công đối tượng (ngoài cùng bên phải) khống chế con tin tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hải.

Hay vào tháng 11/2011, khi là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, ông cũng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khám phá thành công vụ án giả danh y bác sỹ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, do Nguyễn Thị Lệ (33 tuổi, quê huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) làm chủ mưu.

Chuyển khỏi ngành và bước ngoặt mới

Ông Nguyễn Đức Chung được bầu làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội tại Đại hội Đảng bộ TP khóa 16 nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội tháng 12/2015, ông được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Từ đây, ông chính thức chuyển khỏi ngành công an để đảm nhận chức vụ mới này.

Hơn 4 năm rưỡi làm Chủ tịch Hà Nội, ông Chung từng có một số phát ngôn khiến dư luận xôn xao.

Như tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của Ban Chỉ đạo 197 ngày 4/3/2017, ông Chung nói, ông thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau.

Hay: “Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả”.

Nhung not thang tram cua ong Nguyen Duc Chung-Hinh-3
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Trần Thường.
Vào tháng 11/2019, câu chuyện khiến người dân bức xúc là giá nước kinh doanh của nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi giá bán của nhà máy nước sạch sông Đà.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà, trong mức giá 10.246 đồng/m3 tạm tính của nước sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư.

Ông Chung cho rằng phát biểu trên của Giám đốc Sở Tài chính là rất sai lầm.

Ông lý giải, TP đã rất cẩn thận xin ý kiến của Bộ Tài chính, và giá 10.246 đồng/m3 là giá tạm tính, để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư.

Còn sau khi dự án được hoàn thành, họ sẽ quyết toán toàn bộ công trình thì lúc đó mới ra giá thành cụ thể.

Ông Chung cũng khẳng định chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sông Đuống và chắc chắn không bao giờ bù. Cũng theo ông không có ai có lợi ích nhóm ở đây.

Về biến cố ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vào tháng 4/2017, vụ việc lên tới đỉnh điểm khi một số công dân xã Đồng Tâm đã giữ trái phép 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ công an tại Nhà văn hóa thôn Hoành.

Khi đó, ông Nguyễn Đức Chung đã về UBND xã Đồng Tâm đối thoại trực tiếp với người dân. Ghi nhận 21 vấn đề bức xúc của bà con và hứa sẽ chỉ đạo giải quyết công tâm nhất.

Đầu giờ chiều 22/4/2017, trước khi 19 cán bộ, chiến sĩ được thả (ngày 17/4, người dân đã thả 15 cảnh sát cơ động, 3 người khác tự giải thoát), Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã viết bản cam kết gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm.

Thứ nhất, Chủ tịch UBND Hà Nội cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc "khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật".

Thứ hai, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

Thứ ba, cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho ông Lê Đình Kình theo quy định của pháp luật.

Nhung not thang tram cua ong Nguyen Duc Chung-Hinh-4

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đi bộ từ trụ sở UBND xã Đồng Tâm xuống nhà văn hoá thôn Hoành. 

Bản cam kết được ký tại lán do người dân dựng, nằm ở góc sân nhà văn hóa thôn Hoành.

Tới ngày 13/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, để điều tra về 2 tội danh: "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Chiều 27/8/2019, UBND TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi thông tin về kết luận thanh tra sân bay Miếu Môn. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khi đó khẳng định: “Ông Kình lợi dụng việc khiếu kiện nhằm trục lợi, gây sức ép với chính quyền với mục tiêu xem có được bồi thường hỗ trợ một tý nào không. Đây là câu chuyện có thật và chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí biết rõ, vạch trần âm mưu”.

Vào thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra nhiều nơi trên thế giới, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP chiều 23/3/2020, ông Chung chia sẻ mình có con trai đang học ở Mỹ, vùng nặng nhất của Mỹ. Khi đó ông khuyên con mình nên mua dự trữ thức ăn đủ đến hết tháng 6, chấp nhận thuê nhà vì trong trường đã cho ra hết. Thuê nhà ở yên trong đó 3 tháng.

Liên quan vụ án Nhật Cường, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến Công ty Nhật Cường để phục vụ việc điều tra.

Văn bản nêu, quá trình điều tra, Công ty Nhật Cường và công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (công ty Nhật Cường Software) đã xây dựng, đang quản trị một số phần mềm được ứng dụng trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội.

Công ty Nhật Cường là một trong 63 đơn vị đang cung cấp 135 dịch vụ phần mềm khác nhau cho UBND TP và các sở, ngành.

Thảo luận tại tổ trong kỳ họp HĐND TP chiều 3/12/2019, nói về việc xây dựng chương trình mục tiêu công nghệ thông tin của TP, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, Công ty Nhật Cường xây dựng các dịch vụ công. Đây là cái khó nhất vì phải lọ mọ vào trong từ phường, xã, gặp cán bộ để hiểu về quy trình công tác thì mới số hóa được, những cái đó chẳng ai làm.

Một số cán bộ Hà Nội đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án này gồm: Ông Nguyễn Văn Tứ - Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT; ông Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT; bà Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT.

Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt lái xe của ông cùng thành viên Tổ Thư ký của Văn phòng UBND TP Hà Nội.

Ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Một số cán bộ ý thức pháp luật chưa tốt, bị xử lý hình sự

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, sáng 30/12, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ ra, những tồn tại trên địa bàn trong qua trình phát triển như ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ, công chức còn chưa tốt, có trường hợp phải xử lý hình sự.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong năm qua thành phố đã hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn có một số tồn tại, thách thức phát sinh trong quá trình xây dựng, phát triển của thành phố cần tiếp tục tập trung chỉ đạo trong thời gian tới như: ùn tắc giao thông; ô nhiễm không khí; xử lý một số sự cố cháy nổ, môi trường; công tác quản lý đô thị bước đầu có thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt theo ông Chung, ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ, công chức còn chưa tốt, có trường hợp phải xử lý hình sự.

Khám xét khẩn cấp thành viên Tổ giúp việc, tài xế Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Cho rằng 3 người có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc, trong đó 1 người là thành viên Tổ giúp việc, 1 là tài xế của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Ngày 13-7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 đối tượng, gồm: Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội), hiện công tác tại Phòng thư ký biên tập, Tổ giúp việc TP Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), là tài xế của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; và Phạm Quang Dũng (SN 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cùng về hành vi "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015.

Kham xet khan cap thanh vien To giup viec, tai xe Chu tich UBND TP Ha Noi

Lực lượng An ninh điều tra vào khám xét nhà riêng ông Nguyễn Anh Ngọc ở quận Long Biên... 

Hiện Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.