Những vụ đánh bom liều chết ám ảnh nhất lịch sử nhân loại [P2]
Những kẻ đánh bom liều chết có trí tưởng tượng rất phong phú, chúng có thể ngụy trang và cất giấu bom ở bất cứ đâu.
Thái Hòa
Xem toàn bộ ảnh
Chiến lược đánh bom liều chết cho phép các tổ chức nhỏ đạt được mục tiêu chống lại các đối thủ lớn hơn, đáng gờm hơn. Sáng 23/10/1983, xe tải do tài xế người Iran Ismail Ascari điều khiển tiến vào sân bay quốc tế Beirut, đi thẳng tới doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ.
Chiếc xe dễ dàng tiến đến gần vị trí của quân đội Mỹ mà không bị kiểm tra bởi lính gác tin rằng đây là xe chở nước. Trên thực tế, chiếc xe tải đang chất đầy thuốc nổ của lực lượng Hồi giáo.
Sau khi đi vào bãi đỗ, lái xe bất ngờ tăng ga và đâm thẳng qua bức tường ngăn cách với doanh trại Mỹ. Ascari kích hoạt khối thuốc nổ mạnh tương đương 9,5 tấn TNT, khiến 241 lính Mỹ thiệt mạng. Đây được coi là một trong những ngày đẫm máu nhất của quân đội Mỹ trong thập niên 1990.
Chỉ 10 phút sau, một xe bom cũng đâm vào doanh trại lính Pháp cách đó vài km. Tài xế bị bắn hạ và xe bị chặn lại, nhưng nó vẫn phát nổ và phá huỷ hoàn toàn toà nhà 9 tầng gần đó. Vụ tấn công khiến 58 lính dù Pháp thiệt mạng, trở thành thiệt hại nặng nhất đối với Pháp kể từ cuộc chiến Algeria năm 1962.
Trong trường hợp này, chỉ với hai xe bom và hai mạng người, những kẻ khủng bố đã giết chết gần 300 lính Mỹ và Pháp, đồng thời làm bị thương nhiều người khác.
Vào buổi sáng ngày 11/9 cách đây hơn 20 năm, nước Mỹ và thế giới bàng hoàng chứng kiến 4 chiếc máy bay thương mại cỡ lớn, chở hàng trăm người, bị 19 tên không tặc điều khiển đâm vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc - trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo thống kê cuối cùng của giới chức Mỹ, tổng cộng 2.996 người đã chết trong sự kiện này, trong đó có cả những người lính cứu hỏa dũng cảm giải cứu những người mắc kẹt trong Trung tâm thương mại thế giới (WTC).
Gần 10.000 người khác bị thương và phải chịu những di chứng về sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng. Hơn 22.000 mảnh thi thể được tìm thấy sau thảm kịch được các chuyên gia xét nghiệm xác định danh tính trong nhiều năm trời.
Đối với các tổ chức khủng bố, sự hy sinh của một vài sinh mạng để tiêu diệt hàng trăm mục tiêu là xứng đáng. Chiến thuật tự sát này có xu hướng được sử dụng khi một lực lượng tin rằng các biện pháp kém quyết liệt hơn sẽ không hiệu quả trước một đối thủ vượt trội.
Tuy tôn giáo không phải là động lực duy nhất của đánh bom liều chết, nhưng cũng chiếm một phần đáng kể. Đa số những vụ đánh bom liều chết kể từ năm 2003 đều thực hiện bởi các nhóm khủng bố có liên quan đến tôn giáo.
Thực chất, khi những kẻ đánh bom liều chết ca ngợi thánh thần trước lúc tấn công, chúng đang tự biện minh cho việc giết người bừa bãi. Hành động này cũng nhằm vượt qua phản ứng chống cự tự nhiên khi đối mặt với cái chết.
Các tổ chức khủng bố thường sử dụng đức tin để đề cao “chính nghĩa” của họ trong các cuộc tấn công. Bằng cách này, họ bơm vào tâm trí các thành viên rằng đánh bom liều chết không phải hành động dã man, mà là một “nghĩa vụ thiêng liêng”. Bằng cách thần thánh hóa những kẻ đánh bom thành chiến binh "tử vì đạo", các tổ chức khủng bố còn có thể thu hút thêm thành viên mới.
Bên cạnh lý do tôn giáo, hành động đánh bom liều chết cũng có thể bắt nguồn từ động cơ cá nhân của kẻ tấn công. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều kẻ đánh bom liều chết, đặc biệt là trong các xã hội phát triển, không phải là những kẻ cuồng tín loạn trí hoặc bất cần đời.
Trên thực tế, nhiều tên có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia nơi chúng sống. Động cơ cá nhân bao gồm nhiều loại: trả thù cho cái chết của thành viên trong gia đình (như các nữ khủng bố "Góa phụ đen" ở Chechnya).
Hay chống lại sự can thiệp quân sự từ nước ngoài (những kẻ khủng bố tại Iraq và Palestine) hoặc bất bình trước sự việc nào đó (điển hình là vụ lạm dụng các tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq). Do những người có vấn đề cá nhân nghiêm trọng thường thiếu đi đồng cảm với người khác.
Bên cạnh những thành phần có động cơ cá nhân, các tổ chức khủng bố cũng dụ dỗ những người nghèo đói hoặc có tâm lý xa lánh xã hội để tăng nhân lực đánh bom. Nguồn ảnh: K24.