1. Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm vụ cá chết hàng loạt 4 tỉnh miền trung
Ngày 6/4/2016, gần KCN Vũng Ánh (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện sau đó lan ra các vùng biển thuộc khu vực Hòn La, Nhật Lệ, Hải Ninh, Lệ Thủy. Gần trăm tấn cá biển tự nhiên dạt bờ của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
|
Trong quá trình truy tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, nhiều nghi vấn về độc tố hoá học thải từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa). Hệ thống xả thải ngầm không đảm bảo và nhiều phụ phẩm độc hại của Formosa bị cho là nguyên nhân chính khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt. Công ty này có đường ống xả thải dài 1,5 km, đường kính hơn một mét được chạy ngầm dưới biển. Tuy nhiên khi đó, lãnh đạo Formosa bác bỏ với lý do "cá nuôi trong hệ thống này vẫn sống". Ảnh Báo Nhân dân. |
Trong khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm nguyên nhân thì người dân 4 tỉnh miền Trung gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh báo Nhân dân. |
Ngày 25/4/2016, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại Formosa phát biểu: “Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Nhiều khi mình phải lựa chọn: tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép?" đã làm dậy sóng dư luận. Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, Formosa họp báo xin lỗi về phát ngôn của ông Phàm. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp có chỉ đạo các cơ quan ban ngành, chức năng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng và yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân. Thủ tướng nhấn mạnh: "Không bao che bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi tìm nguyên nhân cá chết". Gần 100 nhà khoa học gồm các chuyên gia Đức, Israel, Nhật Bản cùng vào cuộc tìm nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường ở Việt Nam. Trong 4 ngày, đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập với sự tham dự của đại diện 7 bộ đã tiến hành tổng kiểm tra tại Formosa Vũng Áng. |
Chiều 29/6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa thừa nhận công ty là thủ phạm gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. 7 đại diện đến từ Formosa thay mặt hơn 6.300 cán bộ, nhân viên hai lần cúi gập người xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tại cuộc họp báo lúc 5h chiều 30/6, chính phủ công bố: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỷ đồng tương đương 500 triệu USD. |
2. Cá nuôi lồng chết hàng loạt ở sông Bưởi do nhà máy đường gây ô nhiễm
Sáng ngày 4/5/2016, người dân tại thuộc thôn Biện và thôn Đồi xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện nhiều cá chết bất thường nổi dọc sông Bưởi. Đến sáng ngày 7/5, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bưởi tại khu vực xã Thành Vinh, Thạch Cẩm tá hỏa vì hơn chục tấn cá chết nổi trắng trong lồng. Ảnh Zing.
|
Trước sự việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm và biện pháp xử lý môi trường nước sông Bưởi; giao Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Sở TN&MT Thanh Hóa đã phối hợp với Sở TN&MT Hòa Bình phát hiện nhà máy đường Hòa Bình xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh Zing. |
Nhà máy đường Hòa Bình đã thừa nhận xả nước chưa qua xử lý ra sông Bưởi với lưu lượng xả thải khoảng 300 m3/ngày đêm từ ngày 15/3 đến 25/4/2016. Công ty CP mía đường Hòa Bình đồng ý bồi thường hỗ trợ cho 34 hộ, với số lượng cá chết là 17.555 kg. Tính theo giá thị trường tương ứng số tiền 80 ngàn đồng/kg, bằng 1,404 tỉ đồng. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình sau đó cho biết, với hành vi xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm sông Bưởi, tỉnh Hòa Bình sẽ đình chỉ hoạt động nhà máy sản xuất của Công ty CP mía đường Hòa Bình trong 6 tháng để khắc phục hậu quả. |
3. Công bố hàng loạt các dự án thuộc 7 tập đoàn, công ty có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Ngày 20/10/2016, Bộ Công thương vừa công bố hàng loạt các dự án thuộc 7 tập đoàn, công ty có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, danh mục các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được Bộ Công thương công bố, bao gồm: 1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh; 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau. Ảnh Hải Ninh.
|
Trong danh sách này còn có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền; 4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình. Ảnh Hải Ninh. |
Danh sách cũng điểm tên Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên – TISCO; 6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty may Việt Thắng; 7. Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy giấy Bãi Bằng. |
4. 200 tấn cá chết ở Hồ Tây (TP Hà Nội) Hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10/2016. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây. UBND thành phố Hà Nội đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và triển khai 7 biện pháp cấp bách. Khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý sau đó. Ảnh Hải Ninh. |
Ngày 3/10, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân. Ảnh Hải Ninh. |
Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn không để vụ việc cá chết ở hồ Tây tái diễn và cho biết Bộ Công an đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân. Ảnh Hải Ninh. |
5. 1122 ha rừng bị tàn phá trái phép trong năm 2016
Tháng 11/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra phức tạp, hậu quả đã làm mất 1.122 ha rừng trong năm 2016. Ảnh Tiền Phong.
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho biết: “Năm 2016, trên cả nước đã xảy ra 17.763 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có liên quan đến rừng . Bên cạnh đó, do thời tiết khô hạn nên đã xảy ra nhiều vụcháy rừng trên diện rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3.309 ha rừng bị cháy, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra phức tạp, hậu quả đã làm mất 1.122 ha rừng trong năm 2016”. Ảnh Infonet. |
6. Việt Nam mất 5% GDP mỗi năm vì ô nhiễm môi trường
Tại Hội thảo bàn về phát triển kinh tế Việt Nam trong trung hạn, tác động của môi trường tháng 11/2016, trong báo cáo nghiên cứu: "Việt Nam - thiên đường ô nhiễm của các doanh nghiệp nước ngoài" do PGS, TS Đinh Đức Trường, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề về môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm chúng ta thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP, bằng nửa con số này ở Trung Quốc là 10%”. Tiến sĩ Đinh Đức Trường phân tích, với GDP của Việt Nam vào khoảng 204 tỷ USD năm 2015, theo tính toán của PGS Trường, Việt Nam sẽ mất 5%, tương đương 10 tỷ USD, chủ yếu là tác động tiêu cực làm giảm giá trị tăng trưởng các ngành sản xuất, chi phí để cải tạo môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ảnh Tổng hợp.
|
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP hằng năm. Ngoài khoản thiệt hại chung như trên, hằng năm nước ta còn phải chi ra 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh gây nên, với chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh lên đến khoảng 400 tỷ đồng. Ảnh Hải Ninh. |