Những "ý đồ thâu tóm” của đại gia Trầm Bê

(Kiến Thức) - Bằng việc nắm cổ phần lớn và mua lại cổ phần từ các cổ đông khác, đại gia Trầm Bê đang thực hiện những ý đồ "thâu tóm" đầy táo bạo.

Những thông tin mới đây về việc đại gia Trầm Bê sẵn sàng "thâu tóm" Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) khiến dư luận quan tâm tới những toan tính trở thành tỷ phú đô la của đại gia bí ẩn này.

Cái tên Trầm Bê chỉ thực sự được nhắc nhiều qua sự kiện nổi đình nổi đám trong năm 2011: Các ngân hàng thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ông Trầm Bê từng là Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn và hiện là thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Bệnh viện Triều An.

Ngoài ra, ông còn cùng với 3 người con tham gia HĐQT của một số công ty như Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam, Ngân hàng Phương Nam và gần đây nhất là Ngân hàng Sacombank.

Không phải ngẫu nhiên ông Trầm Bê lại đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đó được coi đều là những bước đi đầy toan tính. Những bước đi này thể hiện sự am hiểu của ông đối với chu kỳ kinh tế và một tầm nhìn chiến lược đầy tham vọng nhằm tạo ra thế kiềng 3 chân vững mạnh: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và tài chính.

Cha con ông Trầm Bê
Cha con ông Trầm Bê 
Ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp của mình với cương vị là Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991-1994) và sau đó là Chủ tịch HĐQT của công ty này (1995-2001). Sau 10 năm tích lũy tài chính cũng như kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh và chế biến lâm sản, ông đã nhảy vào thị trường bất động sản bằng việc đầu tư vào BCCI với vai trò là Thành viên HĐQT vào năm 1999. BCCI không ngừng ăn nên làm ra với lợi nhuận 36% trong năm tài chính 2009-2010.

Sau khi đầu tư vào BCCI, ông Trầm Bê đầu tư xây dựng Bệnh viện Triều An vì lúc này việc xây dựng bệnh viện sẽ nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước và thị trường đang rộng mở. Hiện tại Bệnh viện Triều An cũng đang có nguồn thu rất lớn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn do ông làm Chủ tịch HĐQT đã có 7 năm độc quyền trong thị trường chiếu xạ thanh long Việt Nam (2002-2009).

Khi các công ty Trầm Bê đã tham gia đầu tư đủ vững mạnh, ông lần lượt đưa các con của mình vào nắm giữ các vị trí quan trọng trong các công ty này. Chẳng hạn, ông đưa con trai trưởng Trầm Trọng Ngân lên giữ vị trí Tổng giám đốc của Công ty Sơn Sơn.

Ở lĩnh vực tài chính, Trầm Bê đã tham gia đầu tư và trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) vào năm 2004. Ngân hàng này đã đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng trong năm 2007.

Từ vị trí là thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam, Trầm Bê tiếp tục đưa con gái của mình là Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng giám đốc. Đồng thời, ông gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình và các con tại ngân hàng này.

Sau khi hoạt động của ngân hàng mẹ đi vào ổn định, Ngân hàng Phương Nam cho ra đời 2 "đứa con" là Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Vẫn với cách làm tương tự, sau khi NJC được thành lập vào năm 2007, trên cương vị là Phó Chủ tịch, năm 2008 ông Trầm Bê đưa con gái Trầm Thuyết Kiều lên nắm giữ chức Phó giám đốc. Năm 2011, Trầm Bê đưa con trai út Trầm Khải Hòa nắm chức Chủ tịch HĐQT của PNS.

Để tăng vị thế trên thị trường tài chính với tham vọng dẫn đầu thị trường này, Trầm Bê đã tham gia vào cuộc "thâu tóm" ngân hàng Sacombank. Đầu tháng 2/2012, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết đã ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết, bao gồm cả Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank. Gần như toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Sacombank đã thay đổi, trong đó có sự góp mặt của ông Trầm Bê, với chức vụ mới là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank sau khi ông rời khỏi ghế Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam. Thay vào đó, ông đưa con trai mình là Trầm Trọng Ngân lên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Phương Nam. Thêm vào đó, Trầm Khải Hòa cũng là thành viên HĐQT của Sacombank bắt đầu từ tháng 5/2012.

Mới đây, trong đại hội cổ đông bất thường 2013, với vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT NJC, ông Trầm Bê tuyên bố sẽ đứng ra nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông khi công ty chuyển sang mô hình TNHH. Ý kiến của ông Trầm Bê đã đạt được sự đồng thuận nhất định của đa số cổ đông tại đại hội.

Theo ông Trầm Bê, đây là lần đầu tiên ông gặp phải một trường hợp như thế này. Do những yếu tố khách quan từ thay đổi chính sách của nhà nước về kinh doanh vàng miếng, không chỉ riêng NJC mà các công ty kinh doanh vàng bạc nói chung cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Hướng giải quyết hiện nay của NJC là chuyển thành Công ty TNHH nhằm tinh giảm biên chế, tối thiểu chi phí hoạt động cho công ty.

Với những tham vọng và tầm nhìn lớn, dư luận đang rất quan tâm đến những bước đi tiếp theo của ông Trầm Bê.

Trong báo cáo tỷ lệ sở hữu năm 2012, trong Ngân hàng Phương Nam, gia đình ông Trầm Bê nắm hơn 20% cổ phần. Cổ phần này cao hơn so với cổ đông đứng ở vị trí thứ hai - United Overseas Bank của Singapore một chút ít (đối tác ngoại đang nắm 19,99% cổ phần) và vượt trội cổ đông lớn thứ ba, Tropical Investments Việt Nam (đang nắm giữ 5,68% cổ phần).

Trong tổng số hơn 20% cổ phần Southernbank, riêng ông Trầm Bê trực tiếp sở hữu 8,36% và là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng này cho dù đầu năm 2012 đại gia này đã rút khỏi Southern Bank để chuyển sang HĐQT của Sacombank. Con gái ông Trầm Bê, bà Trầm Thuyết Kiều trong khi đó nắm 7,36% cổ phần.

Tại ngân hàng Sacombank, trong báo cáo tình hình quản trị công ty 2012, gia đình ông Trầm Bê cũng nắm nhiều cổ phần nhất trong số các thành viên HĐQT Sacombank. Ông Trầm Trọng Ngân sở hữu 48 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 4,47%) và tỷ lệ này vẫn được giữ cho tới bây giờ do ông Ngân đã không thoái vốn thành công sau hai lần đăng ký bán ra. Ông Trầm Khải Hòa - con trai thứ của ông Trầm Bê, cũng đóng vai trò là thành viên HĐQT Sacombank và cũng là một cổ đông lớn. Tại Sacombank, bà Trầm Thuyết Kiều cũng đang sở hữu 3,15 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 0,29% vốn.

Tuy sở hữu khối tài sản "khủng" nhưng đại gia Trầm Bê không lọt bất cứ một danh sách giàu có nào cả. Ông Trầm Bê không nằm trong 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Cả 3 người con của ông Trầm Bê đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư. Hai người con trai đang thuộc tốp 50 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, trong khi con gái đứng trong tốp 150.

Đại gia Trầm Bê và những điều chưa biết

Ông Trầm Bê là người sở hữu dinh thự lớn nhất Trà Vinh. Ở quê nhà, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank còn có pháp danh Tắc Hậu.

Dinh thự Trầm Bê tại Trà Vinh
Dinh thự Trầm Bê tại Trà Vinh
Cách cửa biển Định An khoảng 7 km về hướng Trà Vinh, xã Hàm Tân của huyện Trà Cú (Trà Vinh) mới được tách ra từ xã Hàm Giang cũ. Đây là vùng đất thuần nông, nghèo khó nhưng có chi nhánh của Ngân hàng Phương Nam, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phương Nam, ngôi chùa lớn Vàm Ray (chùa Phật nằm), một dinh thự hoành tráng với vườn tùng bao quanh...

Chùa Vàm Ray khánh thành chánh điện năm 2008 do gia đình ông Trầm Bê (pháp danh Tắc Hậu) hỗ trợ, được ghi nhận bằng bảng công đức đặt ngay đường lên chánh điện. Nơi đây còn ghi tên vợ ông với pháp danh Tắc Lượng.

Tên và pháp danh của vợ chồng Trầm Bê tạt lên tường ngay lối vào chánh điện chùa Vàm Ray ở xã Hàm Tân (Hàm Giang cũ)
Tên và pháp danh của vợ chồng Trầm Bê tạt lên tường ngay lối vào chánh điện chùa Vàm Ray ở xã Hàm Tân (Hàm Giang cũ)
Tại một lối khác cũng dẫn lên chánh điện chùa Vàm Ray là bức ảnh lớn của 5 người nhà ông Bê, bên hông khắc tên 3 người con. Những người quá cố trong gia đình cũng được tạc di ảnh lên tường của chùa Vàm Ray.

Trao đổi với phóng viên, ông Liên Phước Thiện, Chủ tịch UBND xã Hàm Tân cho biết ông Bê tuy sống ở TP HCM nhưng rất quan tâm đến địa phương mà cụ thể là hỗ trợ vốn xây dựng chánh điện chùa Vàm Ray, ngoài ra, ông còn hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn.

"Hương lộ 12 đầu tư trên 5 tỷ đồng, ông Bê cũng đóng góp 20%. Gia đình ông ấy còn mua đất cất nhà cho 250 hộ nghèo trong xã và mỗi năm đều có hỗ trợ 20 tấn gạo cho những gia đình khó khăn”, ông Thiện cho biết thêm.

Cạnh chùa Vàm Ray là khu đất rộng khoảng 1 ha trồng tùng có đánh mã số. Đây là đất gốc của cha mẹ Trầm Bê và người phụ nữ lớn tuổi nhất ở đây được hàng xóm gọi là cụ Lệl. Hằng ngày bà cụ ngoài 70 tuổi vẫn đi chùa thắp nhang, dâng cơm cúng Phật.

Vườn tùng bạc tỷ của gia đình Trầm Bê
Vườn tùng bạc tỷ của gia đình Trầm Bê
Bà cho biết là chị họ với ông Bê. “Mấy đứa em của tôi ít khi về, các con đi làm thuê hết rồi. Chồng tôi gần 80 tuổi nhưng phải ra đồng mỗi ngày vì không mướn được người làm công ngoài ruộng. Cây cảnh trong vườn do Trầm Bê mang về trồng, giá trị bao nhiêu tôi không rõ”, bà cụ cho biết.

Trong khu đất rộng khoảng 30 ha ở ấp Vàm Ray có mộ cha mẹ ông Bê nên người dân địa phương quen gọi là “nhà mồ”. Tại đây, ngoài tòa nhà 5 tháp nóc hoành tráng nhất Trà Vinh vườn tùng giá trị bao quanh.

Cụ Trầm Phong (80 tuổi) ở ấp Vàm Ray cho biết gia đình bố mẹ ông Trầm Bê vốn không nhiều ruộng đất nhưng chí thú làm ăn nên cuộc sống sung túc. Năm 2009 mẹ ông Trầm Bê qua đời, sau đó một năm thì cha ông mất. Thời điểm này ông Bê bắt đầu xây dựng khu dinh thự, đóng góp tiền của về quê làm ăn, chăm lo cho đồng bào nghèo.

Về sự việc gia đình ông Trầm Bê mới đây báo mất trộm sừng tê giác, người đứng đầu xã Hàm Tân, Liên Phước Thiện, cho biết, việc người thân của ông Bê báo mất sừng tê giác đã được công an xã chuyển lên Công an huyện Trà Cú. Thượng tá Nguyễn Văn Thuyền, Trưởng Công an huyện Trà Cú, cũng nói rằng vụ mất trộm sừng tê giác tại nhà ông Trầm Bê đang được điều tra nhưng chưa có kết quả.

Ảnh cả nhà Trầm Bê tại chánh điện chùa Vàm Ray.
Ảnh cả nhà Trầm Bê tại chánh điện chùa Vàm Ray.
Một người làm công cho biết con tê giác nhồi bông có sừng được ông Bê đưa về dinh thự vào cuối năm 2011. Nhưng thông tin ông Bê bị mất sừng tê giác làm nhiều người nghi ngờ.

Ông Thạch Khưa (65 tuổi) nhà ngang cổng chính dinh thự Trầm Bê cho biết nhiều năm nay địa phương này không nghe chuyện trộm cướp dù nhiều nhà ngủ không khóa cửa. "Nhà ông Bê có bảo vệ canh gác ngày đêm thì ai dám vào trộm. Người dân quê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có biết con tê giác là gì đâu”, ông Khưa bộc bạch.

Ông Nguyễn Tấn Sự, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang (công ty do ông Bê làm Chủ tịch HĐQT), hiện không cho bất kỳ ai vào dinh thự Trầm Bê với lý do “Công an huyện cấm, đang điều tra sợ mất dấu vết hiện trường”.

(Theo Ngôi Sao)
[links()]

Tuổi thơ ở đợ, chăn trâu của đại gia Trầm Bê

Ông Sơn cũng tỏ ý không đồng tình việc có thông tin sai lệch trong việc ông Trầm Bê cho treo hình, bảng công đức của mình và gia đình bên trong chánh điện ngôi chùa mà đại gia này bỏ tiền ra xây dựng, cũng như phá nát di tích các ngôi chùa cổ cần bảo tồn.

 "Tui từng thấy thằng bé Trầm Bê đen nhẻm, gầy còm, bơi xuồng chở củi, có lần xuồng bị chìm tưởng chết…" - Ông Sơn Song Sơn.

Tin mới