Nỗ lực cuối cùng Đức quốc xã giành cho đồng minh Nhật Bản (P2)
Trước tình thế nguy cấp trên toàn mặt trận, Đức Quốc Xã và Nhật Bản vẫn nỗ lực để kéo dài cuộc chiến và hạn chế bất lợi trên bàn đàm phán.
Lê Quang
Xem toàn bộ ảnh
Ngày 6/2/1945, tàu ngầm Anh đến khu vực được giao và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Lúc đó, Thuyền trưởng tàu ngầm Đức Ralf-Reimar Wolfram đã đi qua khu vực này.
Tuy nhiên, may mắn lại thuộc về phía người Anh: ngày 8/2, người Anh bắt được thông tin từ tàu U-864 báo về căn cứ rằng, tàu sẽ quay ngược trở lại Bergen do động cơ diesel gặp trục trặc. Người Đức tỏ ra cẩn thận nên quyết định quay trở lại căn cứ để kiểm tra và điều này khiến họ sa bẫy.
Hai chiếc tàu ngầm gặp nhau vào buổi sáng ngày hôm đó. Vào lúc 8 giờ 40 phút, nhân viên dò âm thanh trên tàu HMS Venturer nghe thấy tiếng ồn của chân vịt tàu Đức.
Khi đó, Trung úy Jimmy Launders quyết định không sử dụng sonar chủ động để tàu mình không bị phát hiện. Chừng khoảng 10 giờ sáng, các thủy thủ Anh với sự hỗ trợ của ống nhòm ngầm đã phát hiện tàu ngầm Đức.
Khi đó, thuyền trưởng tàu Đức Ralf-Reimar Wolfram đang giương ống nhòm ngầm lên mặt nước để tìm kiếm những chiếc tàu của Đức đi ngang qua để xin hỗ trợ đưa tàu ngầm về căn cứ.
Lúc đó, tàu U-864 đang chạy bằng động cơ diesel và sử dụng ống thông hơi (chế độ chạy khi tàu cần quan sát trên mặt nước hoặc sạc pin, tất nhiên sẽ khiến tàu lộ vị trí).
Chờ một lúc sau, vào 10 giờ 50 phút, Trung úy Jimmy Launders của tàu Anh ra hiệu lệnh chiến đấu. Lúc đó, Launders vẫn chưa nhận đủ thông tin để quyết định phóng ngư lôi.
Chỉ huy tàu HMS Venturer khi đó đã biết góc phương vị nhắm đến mục tiêu, nhưng cũng cần phải có thêm thông tin về hướng đi, tốc độ và khoảng cách đến mục tiêu. Tàu HMS Venturer bắt đầu di chuyển theo hướng song song bên phải của tàu ngầm Đức.
Cuộc truy đuổi vẫn tiếp tục diễn ra khá lâu. Trung úy Jimmy Launders muốn chờ cho tàu ngầm Đức nổi hẳn lên và khi đó mục tiêu sẽ dễ bị tấn công hơn.
Tuy nhiên sau đó tàu Anh biết rằng các thủy thủ Đức không có ý định cho tàu nổi lên. Trái lại, tàu U-864 của Đức bắt đầu di chuyển theo đường zíc zắc, bởi có lẽ các thủy thủ trên tàu đã nghi ngờ có tàu địch ở gần, chỉ là họ chưa biết chính xác vị trí tàu địch.
Căn cứ vào các thông tin nhận được sau đó, bằng cách thay đổi góc phương vị nhắm đến mục tiêu theo sự di chuyển của tàu mình, Launders bắt đầu ước tính được khoảng cách đến mục tiêu, cũng như tốc độ của tàu ngầm U-864 và qua đó dự báo được vị sắp tới của tàu Đức (điều này quyết định độ chính xác của phát bắn do ngư lôi cũng cần thời gian để bơi đến mục tiêu).
Thỉnh thoảng, cả hai chiếc tàu lại giương ống nhòm ngầm lên, và Trung úy Jimmy Launders lợi dụng những lúc này để xác định góc phương vị nhắm đến mục tiêu.
Chỉ huy tàu HMS Venturer mất 3 giờ đồng hồ để tính toán trước khi hành động - khoảng thời gian cần thiết để tàu Anh chắc chắn về đường đi zíc zắc cũng như các thông số di chuyển của tàu ngầm Đức.
Vào lúc 12 giờ 12 phút trưa, tàu ngầm HMS Venturer tiến hành phóng loạt 4 quả ngư lôi vào vị trí đã được tính toán. Khoảng thời gian ngư lôi phóng ra cách nhau 17,5 giây.
Trên tàu ngầm Đức, nghe thấy tiếng ồn của ngư lôi bay đến nên thuỷ thủ đoàn đã lái tàu chìm xuống sâu hơn. Ba quả ngư lôi đầu tiên đi trượt mục tiêu, nhưng quả thứ tư đã bắn trúng tàu U-864 của Đức.
Vào lúc 12 giờ 14 phút, vì trúng ngư lôi và phát nổ nên thân tàu ngầm U-864 của Đức vị vỡ ra làm đôi và chìm xuống độ sâu khoảng 150 mét, toàn bộ 73 thuỷ thủ trên tàu thiệt mạng.
Đây cũng là lần duy nhất trong lịch sử chiến tranh mà một tàu ngầm bị hạ bởi một tàu ngầm khác trong khi cả hai tàu ngầm đều đang trong chế độ lặn. Trung úy Jimmy Launders được tặng thưởng Huân chương “Vì chiến công xuất sắc”. Các thủy thủ tàu ngầm Đức vĩnh viễn nằm lại dưới độ sâu 150 mét cách hòn đảo Fedje của Na Uy 2 hải lý.
Ngày nay, 65 tấn thuỷ ngân trên tàu ngầm Đức vẫn đang là vấn đề sinh thái nghiêm trọng đối với Na Uy và nước này đang nghĩ cách để xử lý. Tuy nhiên, hiện chính phủ Na Uy vẫn chưa thống nhất được về việc trục vớt con tàu hay cứ để đại dương tiếp tục “bảo quản” nó. Lý do là chính việc trục vớt có thể khiến thuỷ ngân bị rò rỉ ra ngoài.