Sáng 26.7, chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TPHCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng, để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái. Nữ hành khách sau đó được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ do chênh lệch áp suất trên máy bay.
Thông tin này khiến phái đẹp hoang mang lo lắng đặc biệt là chị em đã đặt túi nâng ngực trước đó. Tuy nhiên, nhận định về trường hợp này, TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, Hà Nội) đã có những phân tích gạt bỏ nỗi lo cho phái nữ.
Túi chỉ vỡ khi có áp lực mạnh sau khi bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật, không bị vỡ do áp suất máy bay. Ảnh: Mondobenessereblog. |
Lý do thực sự khiến nữ hành khách phải cấp cứu?
Theo TS Việt Dung, trong trường hợp phải hạ cánh cấp cứu cho nữ hành khách vào sáng qua (26.7), phải xác định thời gian khách hàng mổ đặt túi lâu chưa, nếu mới mổ trong vài ngày, thậm chí một tuần thì nguy cơ chảy máu thậm chí chảy máu ồ ạt ra ngoài vết mổ là có (thường do bật các chỗ đốt cầm máu ở các mạch máu lớn ở tuyến vú hay ở dưới da).
Lúc này, hãng hàng không phải quyết định đáp máy bay để cấp cứu là cách xử lý đúng, kịp thời nếu chảy máu nhiều và trên máy bay không có người đủ chuyên môn và phương tiện cấp cứu cầm máu.
Theo nhận định của bác sĩ Dung, hành khách đó bị chảy máu và máy bay đáp xuống để cấp cứu chảy máu chứ không liên quan gì đến việc vỡ túi ngực.
Thực hư việc nổ tung túi ngực do áp suất máy bay?
Trả lời câu hỏi liệu có chuyện nổ túi do áp suất trên máy bay không? TS.BS Việt Dung phân tích, hiện nay các loại túi độn ngực đang được sử dụng được cấu tạo bởi vỏ là chất liệu tổng hợp dẻo, dai và bền, bên trong chứa silicon dạng gel, rất bền với áp suất.
"Bình thường túi độn ngực có thể để ô tô chèn qua mà không vỡ. Nếu không có lỗi kỹ thuật thì túi chỉ vỡ khi có áp lực mạnh sau khi bị vật sắc nhọn đâm thủng trong quá trình thao tác kỹ thuật, do tai nạn, hoặc do thời gian mài mòn ở những chỗ gấp của vỏ túi và túi vỡ dưới dạng từ từ rò rỉ silicon gel ra khoang quanh túi chứ không phải nổ tung téo xé vỡ cả da và tuyến làm chảy máu lênh láng như mọi người tưởng tượng", TS.BS Dung nhận định.
Theo bác sĩ Dung, kể cả có thủng vỡ túi thật cũng không phải là trường hợp tối cấp cứu phải hạ cánh máy bay. Hơn nữa, một áp suất mạnh trên máy bay nếu tác động gây vỡ được túi ngực thì sẽ gây tổn thương cơ quan bộ phận của cơ thể trước. Cũng giống như việc sau khi đặt túi, bóp mạnh có vỡ không? Thì câu trả lời là bóp mạnh da, tuyến vú sẽ bị tổn thương trước.
"Nếu một ngày, bệnh nhân ngồi trên máy bay phát hiện ra bị thủng, vỡ túi ngực thì cũng chẳng liên quan gì đến áp suất máy bay, cũng chẳng có chuyến bay nào cần phải hạ cánh để cấp cứu cả", TS.BS Dung kết luận.