Theo thông tin trên trang web của Giải Nobel Hòa bình, có đến 301 ứng viên cạnh tranh trong năm nay, gồm 223 cá nhân và 78 tổ chức. Tên của những người được đề cử và đề cử sẽ không được tiết lộ trong 50 năm.
Nếu được giải thưởng danh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển xướng tên, Thunberg sẽ là người trẻ tuổi nhất từ trước đến nay nhận giải Nobel Hòa bình, nhỏ hơn Malala Yousafzai, người từng được trao giải năm 2014. Thời điểm nhận giải, Malala mới 17 tuổi.
Greta Thunberg phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì biến đổi khí hậu ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York hồi tháng 9. Ảnh: Reuters |
Nhà hoạt động thiếu niên người Thụy Điển lần đầu thu hút sự chú ý của thế giới là vào tháng 8 năm ngoái. Khi đó, Thunberg nghỉ học và đứng bên ngoài Quốc hội Thụy Điển nhằm thể hiện phản ứng mạnh mẽ hơn với vấn đề biến đổi khí hậu.
Thunberg là gương mặt được các nhà đặt cược đánh giá có khả năng thắng giải khi Công ty Coral ở Anh cho biết tỉ lệ cược là ½.
Trong khi đó, Công ty William Hill (Anh) hôm 9/10, cho rằng 96% tiền đặt cược giải Nobel Hòa bình năm nay "chọn" Thunberg. Người phát ngôn của William Hill, Rupert Adams, nói rằng những người chơi bị thuyết phục rằng cô bé 16 tuổi sẽ giành chiến thắng.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Ảnh: AP |
Nữ sinh này cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà lãnh đạo thế giới khác trong mùa giải năm nay. Theo Công ty Cá cược Betfair (Anh), Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người giúp chấm dứt cuộc xung đột với Eritrea, là ứng viên có khả năng giành chiến thắng cao thứ hai.
Công ty William Hill cũng dự đoán các ứng viên tiềm năng khác gồm Raoni Metuktire, nhà lãnh đạo và hoạt động môi trường bản địa Brazil đã dẫn đầu chiến dịch bảo về rừng Amazon (Brazil) và Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern.
Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern. Ảnh: AP. |
Trong số 78 tổ chức, cả Betfair và William Hill đều cho rằng Tổ chức Phóng viên không biên giới và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận được sự đặt cược cao.
Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 được trao cho Nadia Murad, nhà hoạt động nhân quyền người dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq, bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục trong 3 tháng và bác sĩ người Congo, ông Denis Mukwege vì những nỗ lực của họ nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang.
Mời độc giả xem thêm video: Nobel Hòa bình - Giải thưởng gây nhiều tranh cãi nhất (Nguồn: VTC14)