Cứ gần đến 23 tháng chạp (âm lịch), người làm nghề đúc tượng ông Công, ông Táo ở làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) lại tất bật chuẩn bị cho việc ra lò sản phẩm mới, để phục vụ cho việc thờ cúng.
Mọi năm, làng nghề Địa Linh nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa để mang đi tiêu thụ khắp nơi như: Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình… nhưng năm nay, tinh thần người dân không còn phấn khởi như mọi năm. Bởi lẽ, nhiều lô tượng ông Táo không thể xuất xưởng, vì tượng sét không kịp khô để đưa vào lò nung.
Những bức tượng ông Công, ông Táo rất cần nắng để hong khô trước khi đưa vào lò nung. |
Được biết, để tạo ra một bức tượng ông Công, ông Táo là cần phải một quá trình lâu dài. Công đoạn chuẩn bị đất quan trọng nhất, tiếp theo là công đoạn phơi nắng đất sét.
Sau khi nặn và tạo hình ông Táo qua khuôn gỗ, người làm nghề sẽ cho sấy khô. Công đoạn này phụ thuộc vào thời tiết: Nếu nắng đẹp thì phơi 2-3 ngày, còn trời mưa liên miên thì nhiều bức tượng phải chờ rất lâu để đưa vào lò nung đỏ.
Những bức tượng sau khi được nung sẽ được các bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trang trí thêm màu và hoa văn.
Để tạo ra một bức tượng ông Công, ông Táo phải trải qua rất nhiều công đoạn. |
Chị Nguyễn Thị Châu, một người chuyên làm tượng ông Công, ông Táo ở làng Địa Linh cho biết, từ đầu tháng 9 đến tận cuối tháng 11/2016, mưa lớn kéo dài khắp tỉnh, trong khi đó nắng lại ít nên việc cho ra lò các bức tượng trở nên khó khăn.
Vì số lượng tượng tạo ra ít nên năm nay, những người làm nghề đa phần chỉ đáp ứng các đơn hàng ngoại tỉnh đặt trước đó. Riêng trong tỉnh, họ chỉ đáp ứng các mối thân quen. Đây chính là nguyên nhân khiến tượng ông Công, ông Táo năm nay “cháy hàng” ở các chợ lớn trong tỉnh như: Đông Ba, chợ Phú Hậu, Sịa…
Để kịp hàng cho các đầu mối, cả tuần nay, gia đình chị Châu còn cho bật quạt cả ngày để hong khô tượng ngay trong nhà. Tuy vậy, lò nung của chị Châu vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
“Có khi mối ở bên chợ sang lấy có vài chục tượng cũng không có mà bán, chứ đừng nói đến các mối lấy cả thùng”, chị Châu cho biết.
Mặc dù, tượng ông Công, ông Táo năm nay “cháy hàng” nhưng những người làm nghề vẫn không có động thái tăng hay ép giá. |
Bà Hồ Thị Thỏng (86 tuổi), một người làm nghề nặn tượng lâu năm ở làng Địa Linh cho hay, một bức tượng bán ra có giá từ 400.000 – 1.000.000 đồng. Thu nhập bình quân của người làm nghề chỉ 100.000 đồng/ngày; dịp tết khoảng 150.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, năm nay, thu nhập bấp bênh hơn trước do lũ lụt kéo dài nên tiền lãi không đáng kể.
Trước đây, nghề đúc tượng ông Công ông Táo là công việc mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình ở làng Địa Linh, thế nhưng đến nay không còn nhiều người gắn bó với nghề này.
Chị Đặng Thị Hoa, một tiểu thương đến mua tượng ông Táo cho hay, nguyên nhân các hộ khác bỏ nghề là do nghề thu nhập thấp hoặc gia đình họ có con cái toàn đi làm ăn xa, nên cũng không đủ người để làm. Do đó, đa phần hộ dân đã chuyển nghề hoặc đi buôn bán để có thu nhập cao hơn.
Nghệ nhân đúc tượng vẫn cần mẫn giữ nghề, để làng nghề không bị mai một theo thời gian. |
Bấp bênh là vậy nhưng các thế hệ trong gia đình chị Châu, bà Thỏng vẫn “giữ lửa” và tiếp tục truyền nghề cho con cháu thế hệ sau, để truyền thống của làng nghề không bị mai một theo thời gian.
Nói về phong tục cúng ông Công, ông Táo, ông Trần Đại Vinh, nhà nghiên cứu văn hoá Huế cho biết, người Huế ngoài coi trọng bàn thờ tổ tiên và cửa ngõ thì giá trị phong thủy của bếp núc cũng rất quan trọng. Cả ba yếu tố tổng hợp lại sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn cho gia đình.
“Ông Táo thờ hết một năm thì cần phải mua ông mới, nên nghề làm tượng ông Táo vẫn chưa bị thất truyền, dù để gắn bó với nghề thì vô cùng khó khăn. Hiện một số gia đình ở làng Địa Linh vẫn còn đang bám trụ với nghề cũng bởi muốn lưu giữ lại nét văn hoá truyền thống ông cha bao đời trước để lại”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chia sẻ.