Theo cáo buộc, từ năm 2013 đến 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh dùng 29 pháp nhân để lập hồ sơ vay tiền tại các ngân hàng là Sacombank, TPbank và BIDV.
Để được 3 ngân hàng cho vay, Phạm Công Danh dùng tiền của VNCB (hơn 6.600 tỷ đồng) gửi vào các ngân hàng nêu trên, dùng bảo lãnh cho các công ty vay vốn.
Do các công ty này không trả được nợ hoặc có vi phạm so với thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng nên 3 ngân hàng yêu cầu VNCB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ vay. VKS cho rằng, hành vi này của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Công Danh. |
Tại phiên Tranh tụng sáng ngày 22/1/2018, trong phần luận tội, đại diện VKS đưa ra quan điểm: Trong quá trình điều tra, VKS đã có đề nghị CQĐT thu hồi tài sản từ 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank để trả về cho Ngân hàng Xây dựng, nhưng CQĐT chưa thực hiện.
Do đó, tại tòa, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX xem xét, thu hồi khoản tiền hơn 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng.
Vụ việc này đã gây ra tranh cãi. Theo luật sư Trần Minh Hải: Các giao dịch tiền gửi giữa VNCB với ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank không sai phạm pháp luật như nội dung quy kết.
Luật sư Hải viện dẫn Kết luận giám định bổ sung số 7405 ngày 30/9/2016 của NHNN, trong đó nêu: “Việc VNCB gửi tiền gửi thanh toán và gửi tiền có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng khác là hoạt động được phép thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật các tổ chức tín dụng 2010, Khoản 3 Điều 28 Thông tư số 21 ngày 18/6/2012 (đã được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 01/2013).
Trong giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến (sau này là VNCB) do NHNN cấp có nội dung: VNCB được phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ của Ngân hàng thương mại, trong đó có nghiệp vụ gửi tiền tại các Ngân hàng”.
Luật sư Nguyễn Trung Thành thì cho rằng: Nếu quan điểm của đại diện VKS trở thành hiện thực, sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Theo luật sư Thành, giao dịch gửi tiền - nhận tiền gửi, bảo lãnh – nhận bảo lãnh, cầm cố tiền gửi - nhận cầm cố tiền gửi là những giao dịch được thực hiện giữa VNCB và Sacombank/BIDV/TPBank là giao dịch giữa 2 ngân hàng thương mại cổ phần, không phải giao dịch giữa ngân hàng với cá nhân ông Phạm Công Danh.
Các ngân hàng đều được nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và các loại tiền gửi khác.
Có đầy đủ quy định của pháp luật về việc VNCB cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD) khác thực hiện bảo lãnh ngân hàng, và việc sử dụng tài khoản tiền gửi để bảo lãnh. VNCB và các bên liên quan có thể thỏa thuận về việc VNCB sử dụng tiền gửi của mình tại các ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh của VNCB. Việc thực hiện bảo lãnh của VNCB cho các công ty phải thực hiện đúng theo quy định của Luật các TCTD, Thông tư số 28/2012/TT-NHNN và các quy định khác của pháp luật.
Vẫn theo luật sư Hải, căn cứ vào khái niệm “Cầm cố” quy định tại Điều 326, Bộ luật Dân sự năm 2005, thì bên cầm cố có thể giao tài sản của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm cho nghĩa vụ của mình hoặc nghĩa vụ của bên khác (bên thứ ba), không bắt buộc rằng bên cầm cố chỉ được cầm cố để bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình.
Như vậy, việc tổ chức tín dụng sử dụng tài sản của mình để cầm cố, bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình hoặc cho nghĩa vụ của bên thứ ba không phải là hoạt động kinh doanh hay cung cấp dịch vụ tín dụng, tài chính, mà đây là hoạt động trong phạm vi giao dịch dân sự, tuân thủ theo Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật (Nghị định số 57/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 05/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính…).