Nông dân Hải Dương thu hàng trăm triệu từ mùa vải chín sớm
Vải ở thủ phủ Thanh Hà (Hải Dương) chín sớm, lượng giao dịch những ngày này đã lên tới hơn 30 tấn. Hiện các vườn chưa đủ hàng để cung cấp cho các thương lái nhiều địa phương do mới đang là đầu mùa vụ.
Theo Thạch Thảo/Vietnamnet
Xem toàn bộ ảnh
Tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 9.700ha vải, được trồng tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và TP Chí Linh. Những ngày đầu mùa, người dân bắt đầu ra vườn thu hoạch một số giống vải chín sớm có năng suất cao như u trứng trắng, u trứng gai.
Trong số những người trồng vải Thanh Hà, phóng viên gặp bà Phạm Thị Hoa (ở xã Thanh Quan, Thanh Hà, Hải Dương). vườn của bà Hoa rộng 1,5 mẫu, trồng chủ yếu các loại vải u trứng trắng, trứng gai, u hồng, tàu lai.
Năm ngoái, bà Hoa thu được hơn 300 triệu đồng từ thu hoạch vải. Là một trong rất nhiều hộ dân tại Hải Dương sống và đổi đời nhờ trồng loại cây ăn quả này, người phụ nữ đã có 30 năm làm nghề chia sẻ: "Gia đình chủ yếu trồng vải chín sớm. Do vải vườn tôi được chăm bón kỳ công, cho ra năng suất cao. Thu hoạch đến đâu, các siêu thị, thương lái mua hết đến đó. Năm nào cũng không đủ hàng để bán".
Vải u trứng trắng ngoài xuất khẩu còn chủ yếu bán cho các siêu thị lớn trong nước. Giá tại vườn từ 80.000 - 130.0000 đồng, hiện luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Một số hộ dân chăm bón tốt đã cho ra quả vải có kích thước đường kính lên tới 4cm. 1kg vải u trứng trắng chỉ khoảng 18-20 quả, thường được khách hàng tìm đến tận vườn mua làm quà biếu.
Tại một điểm thu mua vải u hồng chín sớm để xuất khẩu đi Trung Quốc, gần 30 công nhân làm việc hết năng suất trong những ngày đầu vụ. Loại vải này có kích thước nhỏ hơn u trứng trắng, phần ngoài vỏ có gai sần sùi, hương vị cũng khác, dễ chăm bón hơn. Vải u trứng gai được bán tại vườn với giá 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, mẫu mã.
Chị Vân Anh (chủ cơ sở vải xuất khẩu) cho biết, hiện mới bắt đầu thu mua loại vải chín sớm để xuất đi Trung Quốc, chủ yếu là u trứng gai, u hồng. Số lượng vải thu mua đến nay đã lên tới hơn 30 tấn hàng. "Hàng không đủ mà bán vì nhu cầu từ các chợ bên đó cao. Tôi làm nghề thu mua đã vài chục năm nên có nhiều vườn quen và giá cả hợp lý, chứ nhiều thương lái thời điểm này cũng khó tìm được nguồn vải", chị Vân Anh nói.
Bà Phạm Thị Tuyết (ở Xã Thanh Thuỷ) đang cắt tỉa vải thiều đóng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc ở vựa vải của chị Vân Anh. Bà đã làm công việc này được 10 năm nay, thời gian làm mỗi vụ vải kéo dài khoảng 1 tháng. Tiền công được tính theo giờ đồng hồ, mỗi 1 giờ bà được trả 40.000 đồng. Một ngày bình thường bà làm khoảng 12 giờ, còn vào cao điểm thu hoạch vải thiều lên tới 15 giờ, khi đó bà sẽ kiếm được khoảng 600.000 đồng/ngày. "Đây là công việc làm thêm những lúc nông nhàn, cũng không quá vất vả vì chỉ ngồi cắt bỏ quả xấu, hỏng, cành thừa", bà nói.
Trên thị trường, u trứng gai có giá khoảng 80.000-120.000 đồng/kg. Trong khi đó vải u trứng trắng đang bán với giá dao động từ 145.000-180.000 đồng/kg, tùy loại.
Bà Thúy Hà (Phó Chủ tịch huyện Thanh Hà) cho biết, u trứng trắng là loại vải có giá cao nhất. Năm ngoái, một sào vải u trứng trắng cho doanh thu khoảng 29 triệu đồng., tính ra 1ha sẽ thu về gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, vải u trứng trắng chỉ chiếm khoảng 15% diện tích trồng vải thiều. Vải u hồng, u trứng gai chiếm 70%, vải tàu lai và vải thiều chính vụ chiếm 15%.
Diện tích vải toàn huyện Thanh Hà năm nay vào khoảng 3.265ha, sản lượng ước đạt 40.000 tấn, trong đó trà vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn. Thời gian thu hoạch trà vải sớm bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, còn trà vải chính vụ bắt đầu từ nửa cuối tháng 6 năm nay. Theo bà Hà, vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP, có hơn 500ha được chứng nhận đạt chuẩn GAP và GlobalGAP.