Vết chân thú còn hằn trên viên gạch thời Lê sơ được ghi nhận. |
Cuộc khai quật cũng lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại. Trong đó, bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc lớn ở thời Lý như móng kiến trúc, móng tường, sân gạch, đường nước lớn.
Các di vật được tìm thấy trong cuộc khai quật năm 2014 cũng phong phú với số lượng lớn loại hình vật liệu kiến trúc, đồ sành, gốm sứ. Trong đó có cả những viên gạch thời Lê sơ có cả dấu chân thú.
Một trong những di vật quý hiếm được tìm thấy tại cuộc khai quật khảo cổ học lần này là miếng vàng hình hoa sen vòng ngoài, phía trong là hình rồng tinh xảo.
Miếng vàng có hình rồng tinh xảo được tìm thấy tại cuộc khai quật khảo cổ học năm 2014. |
Theo PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam cho biết, tới nay mới chỉ tìm thấy 3 mảnh vàng tại khu vực khảo cổ học số 18 hoàng diệu. Và mảnh vàng có hình rồng thuộc thời Lý là hiện vật rất quý hiếm, bởi vàng có hình rồng chỉ được sử dụng trong hoàng gia và có thể được đính trên phục sức của nhà vua.
Thông qua kết quả khai quật đã xác định được một phần kiến trúc phía Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên như Ngự Đạo, sân Đại Triều, hệ thống móng nền kiến trúc.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ học đã xác định rõ kiến trúc thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau, kéo dài qua 400 năm.
Thời Lý, Trần tiếp tục được làm rõ với di tích đường nước lớn và kiên cố, cùng tường, móng kiến trúc và nền sân gạch…
Đường nước kiên cố thời Lý phát hiện năm 2014. |
Các phát hiện khảo cổ năm 2014 cho thấy sự phong phú, tính chất phức tạp của các di tích thuộc khu vực sân Đại Triều của điện Kính Thiên và càng chứng minh rõ giá trị to lớn nhiều mặt của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học kiến nghị, năm 2015 mở rộng các hố khai quật về phía Đông nối tiếp các hố đào 2012-2013 để tìm hiểu các dấu tích kiến trúc của các thời kỳ và đặc biệt là tìm hiểu kiến trúc thời Lý, Trần trong đó có dấu tích Cổng thời Lý ở chính giữa Đoan Môn thời Lê.