Nữ dân quân tự vệ Việt Nam diễu binh với súng gì?
(Kiến Thức) - Nữ dân quân tự vệ trong cuộc diễu binh kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ khoác trên vai khẩu súng trường huyền thoại M1 Carbine.
Mới đây, báo Quân đội Nhân dân tiếp tục đăng thêm một số hình ảnh về hoạt động huấn luyện duyệt binh ở TP Điện Biên Phủ của lực lượng dân quân tự vệ TP HCM. Đáng lưu ý là các nữ dân quân xinh đẹp này sẽ sử dụng khẩu súng chiến lợi phẩm - M1 Carbine thu giữ được từ quân Mỹ và VNCH trong chiến tranh.
|
Dân quân tự vệ TP HCM khoác trên vai khẩu M1 Carbine. |
Súng trường huyền thoại
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã đạt được không ít thành tựu nổi bật trong chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong trang bị súng trường thì có lẽ người ta sẽ nhớ ngay đến ngay khẩu M1 Garand nổi tiếng của Mỹ, nhưng ngoài ra cũng có một khẩu súng nhẹ hơn, nhỏ gọn hơn cũng góp phần vào chiến thắng chung cho quân Đồng minh.
Đó là M1 Carbine, khẩu súng được sử dụng trong tất cả các đơn vị lính Mỹ, kể cả các đơn vị lính dù Mỹ nổi tiếng trong chiến tranh Thế giới thứ 2. Các binh sĩ đều khen ngợi M1 Carbine tốt, dễ sử dụng, lại gọn nhẹ.
M1 Carbine được sản xuất với số lượng khoảng 6,5 triệu khẩu, còn nhiều hơn loại súng M1 Garand và trở thành loại vũ khí cá nhân của Mỹ được sản xuất nhiều nhất trong Chiến tranh Thế giới 2. M1 Carbine phục vụ trong Quân đội Mỹ đến tận năm 1973.
|
M1 Carbine và M1A1 cho lính dù. |
Một loại súng cho tất cả các lực lượng
Vào năm 1938, Quân đội Mỹ yêu cầu một loại súng trường bán tự động gọn nhẹ bắn đạn cỡ 7,62mm của súng ngắn trang bị cho các đơn vị tuyến đầu lẫn tuyến hai, trong số đó bao gồm những đơn vị mang vác nặng như súng máy hay súng cối, binh sĩ ở các đơn vị này cũng cần có một loại vũ khí thích hợp để tự vệ trước các mối nguy hiểm trên chiến trường. Trong khi M1 Garand là một khẩu súng tốt nhưng nó lại quá cồng kềnh và nặng nề cho những đơn vị như vậy.
|
M1 Carbine trong một đơn vị súng cối. |
Loại súng mới cũng được biên chế cho các đơn vị tuyến sau như hậu cần khi mà đấu súng không phải là nhiệm vụ chính của họ. Công việc thiết kế được diễn ra khá chậm chạp và phải đến khi Hải quân Nhật tập kích Trân Châu Cảng tháng 12/1941 thì cũng là lúc khẩu súng của hãng Winchester được Quân đội Mỹ chấp nhận đưa vào biên chế.
Là một khẩu súng “carbine”, nghĩa là M1 Carbine sẽ không có độ dài như một khẩu súng trường hay ngắn như một khẩu súng tiểu liên. Súng carbine thường được sử dụng trong các đơn vị như lính sơn cước hay các đơn vị đặc biệt cần một thứ ngắn gọn hơn loại súng trường tiêu chuẩn.
|
M1 Carbine rất nhỏ gọn nhưng có hỏa lực mạnh. |
Về tổng thể súng trường M1 Carbine là một khẩu súng khá cơ động và dễ sử dụng, nó đủ nhẹ và ngắn để dễ dàng tác chiến trong rừng nhiệt đới hơn là khẩu M1 Garand cồng kềnh, hỏa lực của M1 Carbine cũng rất mạnh mẽ nhờ vào băng đạn dạng hộp lại chứa nhiều đạn và độ giật thấp. Ngoài ra còn có phiên bản M1A1 dành cho lính dù với báng gấp và tay cầm kiểu súng ngắn.
Thông số kỹ thuật
Cỡ nòng: 7.62x33 mm
Chiều dài tổng thể: 904 mm
Chiều dài nòng: 458 mm
Khối lượng: 2.36 kg chưa đạn
Hộp đạn: 15 hoặc 30 viên
Cơ cấu hoạt động: Trích khí ngang, khóa nòng lùi tự động
Tốc độ bắn: 120 phát/phút
Sơ tốc: 600 m/giây
Tầm bắn hiệu quả: 300m
Phổ biến trong các cuộc chiến tranh
Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, M1 Carbine được sử dụng rộng rãi bởi Quân đội Mỹ và đồng minh trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nó cũng được Mỹ xuất khẩu cho nhiều quốc gia đồng minh của họ ở Đông Nam Á, trong đó quân đội VNCH lúc đầu sử dụng loại súng này trước khi chuyển qua M16, còn M1 Carbine chuyển qua cho lực lượng tự vệ địa phương.
|
Du kích quân giải phòng miền Nam Việt Nam với khẩu M1 Carbine. |
Một số lượng không nhỏ M1 Carbine được du kích miền Nam chiếm được của VNCH và sử dụng chúng để chiến đấu chống lại chính quân Mỹ-VNCH. Chúng trở nên thân thuộc với du kích đến mức M1 Carbine gắn liền với hình ảnh du kích miền Nam cùng với khăn rằn và mũ tai bèo.