Rời Việt Nam từ năm học lớp 10 với học bổng toàn phần, Nguyễn Tuệ Anh hiện là chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy ngành Chính sách công tại ĐH Oxford, Anh.
Trước đó, Tuệ Anh làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Phát triển Quốc tế, ĐH Harvard, Mỹ. 8X còn là chuyên gia, trưởng nhóm điều phối nghiên cứu kinh tế phát triển của Viện nghiên cứu Kinh tế mới (INET) tại New York, Mỹ.
Nữ tiến sĩ kết hôn sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London, Anh. Song song với việc chăm sóc gia đình, chị vẫn gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Nguyễn Tuệ Anh thảo luận với cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong thời gian ông thỉnh giảng tại ĐH Harvard, Mỹ. |
Chân dung phụ nữ hiện đại
- Nhiều bạn nữ Việt thường lấy lý do lập gia đình để từ bỏ sự nghiệp học tập. Tuệ Anh nghĩ sao?
- Thực ra ai cũng có quyền lựa chọn. Nhiều người muốn lấy chồng, có con, ổn định gia đình, nhưng sẽ đáng tiếc nếu có tố chất học tập và đam mê mà không dám theo đuổi. Đôi khi, sự lo sợ định kiến từ gia đình và xã hội cũng có phần ảnh hưởng quyết định của phụ nữ .
Nếu thực sự muốn đi học, bạn hãy làm ngay đừng do dự. Đối với phụ nữ nước ngoài, việc đi học là do họ có muốn hay không, có khả năng hay không chứ ít khi vì tác động từ gia đình, bạn trai hoặc chồng.
Bản thân mình muốn theo đuổi con đường học vấn và nghiên cứu từ nhỏ, bên cạnh có sự ủng hộ của gia đình nên càng quyết tâm hơn.
- Bạn nhận thấy những khó khăn của phụ nữ Việt Nam khi theo đuổi con đường học vấn ở nước ngoài là gì?
- Khi học cử nhân ở Anh, mình không cảm thấy có nhiều cách biệt với mọi người, tất cả đều bình đẳng. Tuy nhiên, càng học lên cao càng thấy phụ nữ ít dần. Số giáo sư nữ chỉ chiếm khoảng 20%.
Trong các hội thảo, nhóm nghiên cứu cao cấp, số giáo sư hay nghiên cứu viên nữ cũng rất nhỏ. Có lẽ vì lý do lịch sử, phụ nữ gần đây mới có điều kiện học tập và được đối xử công bằng.
Tiến sĩ 8X thích sách từ năm 3 tuổi, khi đó được ông ngoại đọc Cổ học tinh hoa, Chiến Tranh và Hoà bình cho nghe trước giờ đi ngủ. |
Phụ nữ Việt Nam nói chung thường ngại cởi mở, giao tiếp, giao lưu hay hoạt động xã hội rộng rãi với bạn bè nước ngoài trong nhiều hoàn cảnh. Tuy nhiên, đừng vì đuổi theo phong cách phương Tây mà đánh mất bản thân. Trước tiên, bạn phải là chính mình.
Bản thân mình sống và làm việc tại Anh và Mỹ được đối xử tôn trọng vì là chính mình, không cố trở thành phụ nữ phương Tây. Bạn tự tin ở Việt Nam như thế nào thì hãy tự tin khi ra nước ngoài như thế.
Đương nhiên sẽ mất thời gian để làm quen, nhưng cố thay đổi để trông giống Tây không còn là xu hướng. Ngược lại, nhiều người dân Âu Mỹ còn đang cảm thấy con gái châu Á có nhiều ưu điểm, cá tính và “cool” nữa.
- Bạn nghĩ sao về quan niệm học giỏi khó lấy chồng?
- Không chỉ ở Việt Nam, xã hội Á đông nói chung đều có quan niệm này. Khi một phụ nữ chuyên tâm học tập, cơ hội lập gia đình bớt dần theo thời gian. Có thêm bằng cấp lại càng khó. Một số đàn ông Á đông thường không thoải mái khi bằng cấp và địa vị xã hội của vợ cao hơn mình.
Tuy nhiên, xã hội đang phát triển rất nhanh. Quan niệm này chắc sẽ dần thay đổi. Người ta sẽ thấy ngày càng nhiều phụ nữ theo đuổi con đường học vấn. Chồng không nhất thiết phải có bằng cấp hơn vợ. Anh ta có thể giỏi hơn vợ ở những lĩnh vực khác. Phụ nữ giỏi vẫn cần đàn ông tự tin và biết che chở cho mình.
Phụ nữ có học vấn sẽ đóng góp tích cực cho gia đình, về tài chính, giáo dục con cái, về giao tiếp ứng xử với gia đình 2 bên và trong xã hội.
Nếu bạn muốn sự nghiệp thì hãy cứ theo đuổi. Mình quen biết những học giả nữ trở thành giáo sư (39 tuổi) mới lấy chồng và sinh con. Bạn bè mình có rất nhiều người lấy chồng, sinh con xong đi học và ngược lại. Nếu làm cả hai cùng lúc thì sẽ rất vất vả, nên cân nhắc chọn một việc làm trước.
'Bụng bầu' đi xin học bổng
- Tuệ Anh đã gặp những khó khăn gì khi vừa sinh con vừa học tiến sĩ?
- Mình mang bầu khi đang làm hồ sơ xin học bổng tiến sĩ và làm nghiên cứu tại Anh. Lúc đó, cả nhà ai cũng bảo nên về Việt Nam để nghỉ dưỡng và tạm hoãn việc học lại.
Khi đó, mình tâm niệm gia đình rất quan trọng, nhưng muốn có gia đình bền vững thì ai cũng phải đóng góp. Mình muốn con thấy cả bố và mẹ đều có sự nghiệp, đều đóng góp cho gia đình. Vậy là mình quyết tâm lo cho cả gia đình và sự nghiệp cùng lúc.
Tiến sĩ 8X cùng chồng và con gái. |
Lúc đi phỏng vấn học bổng, mình mang bầu bảy tháng, vào phòng phỏng vấn lại gặp đúng giám khảo cũng có bầu. Bà hỏi rằng mình làm thế nào có thể vừa làm mẹ lần đầu tiên vừa làm nghiên cứu được? Mình chỉ biết trả lời: “Bà là giáo sư, bà cũng làm được thì tôi hy vọng mình cũng làm được”.
Rất khó để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Từ khi sinh con, mỗi ngày, mình chỉ được ngủ 3, 4 tiếng. Mình vừa chăm con, đi học, đi dạy, vừa quản lý các tổ chức. Giờ nhìn lại thấy không nên nhận nhiều việc quá.
- Gia đình đã làm chỗ dựa cho bạn như thế nào?
- Mình may mắn nhận được sự ủng hộ hết mình của gia đình. Chồng luôn ủng hộ vợ trong học tập và công việc, chia sẻ việc chăm sóc con cái, khi mình thường xuyên phải đi công tác xa, hay làm đêm. Bố mẹ mình cũng luôn động viên và giúp đỡ hai vợ chồng. Gia đình nhà chồng cũng biết chúng mình khó khăn, vất vả nên rất thuơng và chăm lo.
Khi mình mang bầu, chồng cũng đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với học bổng toàn phần của Hoàng gia Anh. Hai người làm việc cách xa nhau đến 4 tiếng đi tàu. Thời điểm mình đi cấp cứu vào tuần thứ 26 của thai kỳ, anh ấy rất lo lắng và phải đi tàu đêm đến London chăm nom. Lúc đó, chúng mình nhận ra rằng gia đình ở xa nhau sẽ rất khó khăn.
Suy nghĩ rất lâu, cuối cùng, ''anh xã" quyết định từ bỏ học bổng của Hoàng gia Anh để đăng ký học bổng tại ngôi trường vợ đang học. Khi "công chúa nhỏ'' ra đời, hai vợ chồng thay phiên nhau vừa chăm con vừa đến trường làm nghiên cứu.
Đẻ xong, mình chỉ có một tháng nghỉ thai sản trước khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, vì học bổng đã nhận rồi nên không thể hoãn lại được. Điều bất ngờ là năng suất công việc của mình tăng lên nhiều kể từ khi có con. Động lực chính của mình là cho "công chúa nhỏ'' thấy rằng mẹ là phụ nữ nhưng hoàn toàn có thể thành công như đàn ông.