Phát huy lợi thế 4 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa, những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Thái Bình đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Điệp Nông (huyệ Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có sông Luộc chảy qua, để tận dụng lợi thế này, người dân trong xã đã đưa mô hình nuôi cá lồng vào phát triển kinh tế trọng điểm.
Qua nhiều năm triển khai mô hình đến nay toàn xã có trên 90 lồng nuôi cá, trong đó có nhiều lồng nuôi cá đặc sản mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đình, xã Điệp Nông cho biết: Năm 2014, tôi mạnh dạn đầu tư làm 15 lồng nuôi cá trên sông. Tôi thấy nuôi cá lồng ở sông phát triển nhanh về trọng lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi cá trong ao 1 sào thu được khoảng 7 tạ đến 1 tấn cá, mô hình nuôi cá trên sông này lợi nhuận có thể gấp 4 lần trong ao, mang lại cho gia đình tôi trung bình từ 400 - 600 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Nuôi cá lồng không phải là mới đối với những địa phương giáp các con sông lớn trên địa bàn huyện.
Lợi thế lớn nhất của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn động, ít bị ô nhiễm nên có thể thả các loại cá với mật độ cao để tận dụng mặt nước.
Người dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình phát triển nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
|
Trước đây, Hưng Hà đã có cơ chế hỗ trợ cho các hộ nuôi cá lồng, cứ mỗi lồng cá mới huyện hỗ trợ trên 10 triệu đồng, hỗ trợ toàn bộ chi phí đường điện theo quy định đến điểm nuôi cá lồng, tạo tiền đề cho các hộ nông dân phát triển nghề nuôi cá lồng.
Đến nay, toàn huyện Hưng Hà có trên 275 lồng nuôi cá ở các xã: Hồng An, Điệp Nông, Độc Lập, thị trấn Hưng Nhân... Để khuyến khích phát triển nuôi cá lồng, Hưng Hà tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân nuôi cá lồng theo quy hoạch và có cơ chế phù hợp động viên, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng.
Tại Vũ Thư, từ năm 2012 huyện đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại 3 xã Vũ Đoài, Vũ Vân, Duy Nhất.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng đã được khẳng định khá rõ rệt trong thực tế khi triển khai tại một số xã ven sông nhiều năm qua.
Với hơn 1.650ha nuôi trồng thủy sản, trong đó trên 3.500m2 nuôi cá lồng trên sông Hồng, chủ yếu là các đối tượng thủy sản có giá trị như: cá lăng, trắm, ngạnh, diêu hồng. Các hộ nông dân nuôi từ 10 lồng trở lên cho lãi khoảng 140 triệu đồng/năm.
Từ hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông, các địa phương ven sông tiếp tục phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch, phát triển bền vững để nhiều hộ có điều kiện mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình cho biết: Toàn tỉnh hiện có 654 lồng nuôi cá trên sông với tổng thể tích 72.272m3, trong đó nhiều nhất là huyện Hưng Hà với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ 196 lồng, huyện Vũ Thư hơn 100 lồng.
Đối tượng nuôi bao gồm cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm giòn, chép giòn, ngạnh, trắm cỏ... song chủ yếu là cá lăng và diêu hồng, năng suất bình quân đạt 4 tấn/ lồng 108m3, cao nhất đạt khoảng 10 tấn/lồng. So với nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông mang lại giá trị kinh tế cao hơn 4 - 5 lần.
Hiệu quả từ nuôi cá lồng trên sông đã thấy rõ nên thời gian qua nhiều hộ dân bắt đầu mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng.
Để nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương tiếp tục định hướng rõ quy mô phát triển nuôi cá lồng cũng như các đối tượng nuôi đạt giá trị, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước.
Tăng cường cán bộ kỹ thuật, nhất là kỹ sư về thủy sản. Mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh thủy sản, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định cho nghề nuôi cá lồng phát triển.