Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình “có 1 không 2” của gia đình, ông Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Do có người nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đã nuôi rắn hổ mang thành công và bán được giá, nên đầu năm 2010, tôi đã xin Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cấp giấy phép nuôi rắn.
Ông Phạm Văn Dũng đang chăm sóc con rắn hổ mang. Dưới chân ông đứng là hệ thống chuồng ngầm-nơi nuôi hàng trăm con rắn độc. |
Sau khi được cấp giấy phép, tôi đầu tư làm chuồng nuôi; mua 100 con rắn hổ mang bành sinh sản về để gây giống”. Ông Dũng học thêm cách nuôi rắn hổ mang từ những người quen, bạn bè và đọc trên sách, báo, tivi. Nhờ đó, sau 1 năm, đàn rắn hổ mang của gia đình sinh sản khá nhanh và xuất bán lứa đầu tiên. “Lứa đầu tôi bán được hơn 300 con rắn cho thương lái Trung Quốc, cân nặng từ 2 – 3kg/con, với giá 1 triệu đồng/kg. Trừ các chi phí, tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng”.
Nhận thấy lợi nhuận từ việc nuôi rắn hổ mang, ông Dũng đã đầu tư mở rộng chuồng và phát triển đàn rắn. Tới nay, chuồng nuôi của gia đình ông Dũng đã có 300 con rắn. Theo ông Dũng, nuôi rắn hổ mang khá tốn kém về thức ăn. Vì chúng chỉ ăn ếch, nhái nên ông phải thường xuyên đặt mua loại hàng này với số lượng lớn.
Để đảm bảo cho rắn sinh trưởng, phát triển tốt, ông Dũng thuê 3 công nhân thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ chuồng nuôi. Trong chuồng luôn được thắp điện và bật quạt đảm bảo khô ráo, thoáng mát để rắn không bị bệnh nấm. Hiện nay, ngoài việc bán rắn hổ mang, ông Dũng còn ngâm rượu rắn hổ mang để kinh doanh. Trung bình mỗi năm, trừ các chi phí, ông Dũng thu lãi hơn 250 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình nuôi rắn hổ mang của gia đình ông Dũng phát triển tốt, cho lợi nhuận cao, nông dân nhiều nơi đã tới tham quan mô hình và học hỏi cách nuôi. Riêng chính quyền xã Thanh Luông cũng vận động bà con trong xã tới học tập cách làm để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, trong xã Thanh Luông đã có thêm vài hộ bắt đầu nuôi rắn hổ mang với số lượng nhỏ.