Heo nái “biến” thành thịt bò bằng hóa chất
Ngày 15/10, tin từ phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an TP.Phan Thiết và các ngành chức năng tiến hành kiểm tra về an toàn thực phẩm tại điểm kinh doanh của Nguyễn Đình Tân, ở chợ Phan Thiết, thuộc phường Đức Thắng, TP.Phan Thiết.
Qua kiểm tra phát hiện Tân đang bán hơn 80kg thịt heo nái nhưng quảng cáo là thịt bò cho người tiêu dùng. Tại thời điểm kiểm tra ngày 13/10, số thịt trên đã có dấu hiệu đổ nhớt và bốc mùi hôi. Cũng tại thời gian trên, tổ kiểm tra số 2 của phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an huyện Hàm Thuận Nam tiến hành kiểm tra tại nhà của ông Tân tại thôn Dân Phú, xã Hàm Kiệm.
Số thịt ông Tân dự trữ đang chờ bán ra thị trường. |
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong hai tủ đông đang chứa 364,5 kg thịt động vật mà đối tượng đang trữ, để dành bán cho người tiêu dùng. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận toàn bộ số thịt trên đã có dấu hiệu đổ nhớt, ôi thiu, biến đổi màu sắc, có mùi hôi nồng nặc.
Qua làm việc với cơ quan chức năng, ông Tân khai nhận kinh doanh thịt động vật từ năm 2010. Nhận thấy thịt heo nái gần giống với thịt bò nên ông đã mua thịt từ các tỉnh khác về dự trữ. Khi bán ra thị trường, ông Tân sẽ trộn thịt với huyết bò để tạo màu tươi.
Đồng thời, thịt sẽ được trộn thêm dung dịch tạo mùi hương thịt bò mua từ chợ Kim Biên (TP.HCM). Thịt heo nái biến thành thịt bò sẽ được ông Tân bán ra thị trường với giá 130.000 đến 160.000 đồng. Công an tỉnh Bình Thuận đang điều tra làm rõ vụ việc.
Theo tìm hiểu của PV, tại một số địa phương xảy ra tình trạng thương lái sử dụng hóa chất để “hô biến” thịt ôi thiu thành thịt tươi rói rồi đem tiêu thụ ngoài thị trường. Chỉ cần tẩm lượng nhỏ hóa chất, trong tích tắc, miếng thịt bò hôi thối, tái nhợt sẽ có màu tươi như mới giết mổ.
Trước đó, ngày 11/8, đoàn liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra điểm kinh doanh thịt bò của ông Nguyễn Thanh Thùy ở thị xã Tân Uyên, phát hiện tủ đông chứa hơn 200kg thịt bò ôi thiu, chảy nước... Lực lượng chức năng còn phát hiện 2 can nhựa chứa hàng chục lít hóa chất, phẩm màu không rõ nguồn gốc dùng để tẩm làm mới thịt bẩn.
Trước sự chứng kiến của chủ cơ sở, đoàn đã lấy hoá chất thí nghiệm, tẩm ướp với lô thịt bò bẩn. Với lượng nhỏ hóa chất, trong tích tắc, miếng thịt bò ôi thiu, tái nhợt đã có màu tươi như mới giết mổ; đồng thời thịt cũng không còn mùi hôi thối, ruồi nhặng không còn bu...
Bước đầu, đoàn đã lập biên bản xử lý hành chính việc kinh doanh thịt bò bẩn của ông Thùy; giao toàn bộ sản phẩm và hoá chất cho trạm Chăn nuôi và thú y thị xã Tân Uyên và UBND phường Khánh Bình tiêu hủy.
Khó phân biệt thịt ôi thiu vì “công nghệ” luyện thịt
Để tìm hiểu có hay không loại “dược liệu” thần kỳ hô biến thịt thối thành thịt tươi, phóng viên đã thâm nhập thị trường để tìm hiểu về công nghệ “tẩy trang” giúp thịt luôn trông tươi ngon. Tại phố Hàng Buồm (Hà Nội), nơi được xem là đầu mối lớn nhất tại Hà Nội chuyên cung ứng các loại hoá chất hương liệu, khi được hỏi về loại hóa chất tẩy mùi cho thịt ôi, nhiều tiểu thương ở đây đã không ngần ngại giới thiệu với khách hàng.
Theo các chuyên gia công nghệ thực phẩm, việc che mùi hôi thối, biến thịt ôi, thiu, thành thịt tươi bằng các loại hoá chất không rõ nguồn gốc, không đúng với chức năng và liều lượng, sẽ tăng độ độc hại lên nhiều lần.
Thịt được xử lý bằng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc càng trở nên độc hại hơn. |
Theo TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải, SO2 không được sử dụng trong bảo quản các loại thịt. Nếu nhúng thịt thiu, thối vào dung dịch này một thời gian ngắn lấy ra để ráo nước, lúc đó thịt sẽ mất mùi hôi thối và có màu hồng đẹp như thịt tươi, đây là thủ thuật đánh lừa thị giác khách hàng chứ thịt đã thối, hư hỏng thì không thể khôi phục tươi lại được. Và như vậy SO2 sẽ đọng lại trên thịt, nếu người ăn phải thì rất nguy hiểm.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, sử dụng SO2 xử lý thịt ôi, thiu để tái sử dụng thịt hoặc ngâm rau củ quả là một việc rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng vì ba lý do: Thịt, nội tạng đã bị giảm chất lượng do vi sinh vật phân huỷ protein, có thể tạo một số độc chất; hàm lượng SO2 hoặc các muối phải được sử dụng rất lớn để khử mùi, do đó dư lượng này rất cao; nguồn hoá chất không rõ ràng, không đảm bảo độ tinh khiết, có thể là hoá chất công nghiệp nhiễm các thành phần độc hại khác.
Nhận biết hay phát hiện hoá chất này còn rất khó khăn, chỉ ở trong phòng thí nghiệm mới phân tích được. Thực tế về cảm quan không thể phát hiện được trừ khi nồng độ của SO2 hơn 10mg/m3 thì ngửi thấy mùi.
Người tiêu dùng nên thận trọng trong việc chọn mua các sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu bất thường (cấu trúc, màu sắc, mùi). Nếu nghi ngờ, nên ngâm rửa bằng nước nhiều lần, khi chế biến nên nấu kỹ để hạn chế ngộ độc thực phẩm và phòng bệnh.
PGS.TS Khải nhắc lại sự việc cơ quan chức năng phát hiện 500kg thịt heo xuất huyết, biến chất và hôi thối được chế biến tại một cơ sở ở Bình Chánh năm 2013 làm dẫn chứng.
Tại thời điểm bị phát hiện, để “làm mới” thịt thối, cơ sở này dùng SO2 pha với nước rồi ngâm thịt, mười phút sau, số thịt tái xanh, bốc mùi đã chuyển sang màu đỏ tươi trông như thịt heo vừa mổ. Số thịt này sẽ được chế biến hoặc cung cấp cho các quán cơm, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường.
Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc tương tự được phát hiện, thậm chí thịt hư sau khi tẩm ướp hoá chất còn được rao là... thịt rừng hay thịt đà điểu mà chất dùng để tẩm, rửa cũng chính là SO2.