Ông Putin tái khẳng định mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, mục đích của chiến dịch quân sự ở Ukraine không ngoài việc “bảo vệ lợi ích đất nước và người dân Nga”.
Theo Tuấn Trần/Vietnamnet
Theo ông Putin, Nga đã cố gắng tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine hồi năm 2014. Tuy nhiên, chính quyền Kiev không bày tỏ ý định muốn thương lượng.
“Tôi đã được thuyết phục rằng chúng tôi (nước Nga) đang đi đúng hướng. Chúng tôi đang bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân Nga. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ người dân của mình”, hãng tin RT dẫn lời ông Putin trả lời phỏng vấn đài Rossyia 1 hôm nay (25/12).
Theo ông chủ điện Kremlin, mục đích của những đối thủ địa-chính trị của Moscow “đều nhằm vào việc ‘xé toạc’ nước Nga”.
“Chính sách ‘chia để trị’, đó là điều họ đã và đang cố làm ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, chúng ta có một ưu tiên khác là đoàn kết người dân Nga”. Tôi cần phải nói thêm rằng, Nga vẫn giữ ý định thảo luận về các giải pháp có thể chấp nhận được với tất cả các bên liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng chúng tôi không phải là người từ chối việc đàm phán, mà là phía Kiev và đồng minh của họ”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Theo RT, những tuyên bố trên của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 11 mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Báo Mỹ hé lộ Washington 'nhắc nhở' Ukraine vì vụ rơi tên lửa ở Ba Lan
Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Ukraine cẩn trọng hơn và ngưng đổ lỗi cho Nga vì sự cố rơi tên lửa gây chết người ở Ba Lan.
Theo CNN, lãnh đạo Nhà Trắng và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đều đang ở Bali, Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh G20, khi các trợ lý đánh thức họ dậy trong đêm 15/11 để thông báo về vụ tên lửa rơi xuống làng biên giới Przewodow thuộc Ba Lan, khiến 2 dân thường thiệt mạng.
Ông Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào lúc 5h30 sáng giờ địa phương. Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng tham gia vào cuộc gọi này sau đó. Các thông tin từ Ba Lan và “tình báo dựa vào vệ tinh” Mỹ cho thấy tên lửa “dường như được phóng từ hệ thống phòng không của Ukraine”.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quy trách nhiệm sự cố cho Moscow, đồng thời mô tả đó là một vụ tấn công vào tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và kêu gọi liên minh quân sự này đáp trả.
CNN trích dẫn nhiều nguồn tin giấu tên tiết lộ, ông Biden không trực tiếp trao đổi với người đồng cấp Ukraine về sự cố tên lửa ở Ba Lan. Thay vào đó, cố vấn an ninh quốc gia của ông đã nhanh chóng gọi điện cho văn phòng Tổng thống Zelensky nhắc nhở các quan chức Ukraine “thận trọng hơn về cách đề cập tới sự cố”.
Mặc dù AP đã trích dẫn lời một quan chức Mỹ ẩn danh cáo buộc tên lửa do Nga bắn nhưng hãng thông tấn này đã rút lại thông tin sau đó. Bản thân tổng thống Mỹ cũng công khai nói, nhiều khả năng đó không phải là tên lửa Nga.
Tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm góc cũng tuyên bố trước báo giới rằng, quân đội Mỹ không phát hiện bằng chứng củng cố cáo buộc của Kiev.
Trong khi đó, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã gọi điện cho những người đồng cấp ở Ba Lan và Ukraine, cũng như cố gắng liên lạc với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov, nhưng “hai người không nói chuyện vào đêm 15/11”.
Một cuộc điện đàm khác đã không diễn ra giữa ông Biden và ông Zelensky, bất chấp đề nghị nhiều lần của lãnh đạo Ukraine, theo một nguồn tin. Ông Biden đã thảo luận với ông Duda, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các nhà lãnh đạo khác tại G20 “nhưng vẫn không trao đổi trực tiếp với ông Zelensky vào chiều 16/11”.
Theo CNN, sự cố đã “đã tạo ra một số rạn nứt trong liên minh của phương Tây với Ukraine”. Các quan chức Ba Lan được mô tả là "thất vọng" khi ông Zelensky tiếp tục quả quyết tên lửa không phải của quân đội Ukraine, ngay cả sau khi Warsaw và Washington đã công khai nói khác.
Mãi tới ngày 17/11, người đứng đầu chính phủ Ukraine mới thừa nhận, ông “không biết rõ 100%” những gì thực sự đã xảy ra.
Tại sao EU chật vật tìm cách tịch thu các tài sản của Nga?
Ủy ban châu Âu đang tìm kiếm những biện pháp có thể giúp họ tịch thu các tài sản của Nhà nước và cá nhân Nga, trị giá hàng trăm tỷ USD.
Theo một tài liệu lọt vào tay báo Politico, Liên minh châu Âu (EU) đang nhắm tới mục tiêu "nhận diện các cách thức tăng cường truy tìm, xác định, đóng băng và quản lý tài sản như những bước sơ bộ cho quá trình tịch thu tiềm năng". EU đang hướng sự chú ý tới các tài sản đang bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như tài sản của những người Nga trong danh sách trừng phạt, trị giá tổng cộng gần 300 tỷ USD.
Hội đồng châu Âu tháng trước từng nhắc Ủy ban châu Âu trình bày “các tùy chọn phù hợp với luật pháp EU và quốc tế”, nhằm sử dụng các khoản tiền bị đóng băng của Nga “để tái thiết Ukraine”.
Các chuyên gia pháp lý đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đơn phương tịch thu tài sản của một quốc gia khác theo luật pháp quốc tế hiện hành. Brussels đã đề xuất coi việc trốn tránh lệnh trừng phạt là hành vi phạm tội ở EU. Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa thuận đó sắp đạt được, liên minh sẽ phải khởi kiện từng vụ riêng lẻ, chứng minh mối liên hệ giữa chủ tài sản với chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Theo tài liệu lọt vào tay Politico, Ủy ban châu Âu thừa nhận các tài sản của ngân hàng trung ương “thường có quyền miễn trừ”. Mặc dù việc tịch thu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước sẽ tránh vi phạm quyền miễn trừ đó “về nguyên tắc”, nhưng ủy ban lưu ý họ sẽ “cần chứng minh mối liên hệ đầy đủ với Nhà nước Nga” đối với mọi trường hợp.
Một biện pháp khác là áp “thuế xuất cảnh” với tài sản của cá nhân bị trừng phạt, đang cố gắng chuyển tài sản của họ ra khỏi EU. Tuy nhiên, giáo sư Stephan Schill thuộc Đại học Amsterdam nói, những cá nhân đó có thể tuyên bố, quyền không bị phân biệt đối xử và quyền sở hữu tài sản của họ đã bị xâm phạm.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng thừa nhận, việc tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga “không được pháp luật cho phép ở Mỹ” hay nhiều quốc gia khác.