Những ngày qua, thông tin nhiều lái xe đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình hướng về Hà Nội phản ánh tình trạng bị nhà đầu là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) “chặn đường, ép đi vòng” để thu phí đang gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, trước vấn đề trên, ông Đinh Cao Thắng - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định "không có chuyện chặn đường, ép lái xe để thu phí".
Theo ông Thắng, việc tạm dừng thu tại các trạm thu phí nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chỉ là một biện pháp để phòng chống dịch COVID-19 chứ không phải miễn phí.
Dù vậy, dư luận vẫn khá tò mò về những thông tin khác liên quan đến Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Cao tốc Lào Cai-Nội Bài hướng về Hà Nội tại địa phận tỉnh Vĩnh Phúc được cho là bị nhà đầu tư chặn đường. (Ảnh: Facebook). |
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (tiền thân của VEC) được thành lập năm 2004. Tháng 6/2010, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định chuyển Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thành Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Chủ tịch HĐTV của VEC là ông Trương Việt Đông, còn Tổng giám đốc là ông Phạm Hồng Quang.
Hội đồng thành viên của VEC. (Ảnh chụp màn hình). |
VEC là một trong những đơn vị đầu tư phát triển đường cao tốc lớn nhất Việt Nam với 5 dự án trị giá hơn 10 tỷ USD, gồm: Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính của VEC năm 2020 ghi nhận doanh thu xấp xỉ 3.670 tỷ đồng. Nguồn thu này phần lớn đến từ thu phí các tuyến cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, Công ty còn có nguồn thu gần 600 tỷ đồng từ tiền lãi gửi ngân hàng.
Lợi nhuận gộp của "ông trùm" cao tốc VEC giai đoạn này đạt 2.670 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất sinh lời gần 73%. Nhưng sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế còn 8,8 tỷ đồng và giảm 97% so với năm trước.
Lãi vốn vay và lỗ chênh lệch tỷ giá là những khoản mục ăn mòn lợi nhuận nhiều nhất. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm thì lợi nhuận của công ty vẫn vượt đến 4 lần.
Tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản của VEC đạt hơn 92.000 tỷ đồng. Nợ phải trả xấp xỉ 81.000 tỷ đồng, trong đó hơn 66.600 tỷ đồng là các khoản vay từ tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản để phát triển các tuyến cao tốc.
VEC là một trong những đơn vị đầu tư phát triển đường cao tốc lớn nhất Việt Nam. (Ảnh duongcaotoc.com.vn). |
Năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao VEC phải đạt tổng doanh thu 4.187,8 tỷ đồng; tổng chi phí đạt 4.184,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế: 3,6 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước của Công ty mẹ là 381,2 tỷ đồng.
Trong năm 2021, VEC được giao nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu tài chính 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức đánh giá việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, sắp xếp, kiện toàn bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả bộ máy, định biên lao động, bố trí công việc hợp lý, giảm đầu mối công việc để phù hợp với tình hình công việc thực tế của VEC.