Đó là nhận định của nhà báo Finian Cunningham trong bài viết mới đây dành cho Stragic Culture Foundation.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng khủng hoảng Triều Tiên để gây sức ép kinh tế với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.com |
Người ta thường cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng đòn bẩy thương mại để buộc Trung Quốc gây áp lực mạnh hơn với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Có thể nói rằng ông Trump đang sử dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên để che đậy một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Tuần này, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh điều tra các cáo buộc về việc Trung Quốc đánh cắp các bản quyền của Mỹ và các đề ra chính sách thương mại bất minh để hàng xuất khẩu của Trung Quốc chiếm lợi thế so với hàng hoá nội địa Mỹ.
Cuộc điều tra thương mại do Tổng thống Donald Trump ra lệnh có thể dẫn tới việc áp đặt mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ. Chính quyền Mỹ đã bắt đầu dựng lên các rào cản thương mại đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu chính quyền Trump tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt thương mại, Bắc Kinh cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể bùng phát giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ không được gắn cuộc khủng hoảng Triều Tiên với tranh chấp thương mại song phương. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Triều Tiên và thương mại là hai vấn đề khác nhau. Việc sử dụng vấn đề này làm công cụ gây áp lực đối với vấn đề kia rõ ràng là không phù hợp”.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại liên tục gắn hai vấn đề trên với nhau. Ông đã công khai yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “làm nhiều hơn” để ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Và ông Trump cũng ngụ ý dùng thương mại song phương hàng năm trị giá 500 tỷ USD làm đòn bẩy buộc Bắc Kinh có lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc nước này không làm đủ để kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên, viện dẫn việc Bắc Kinh đã ủng hộ nghị quyết gần đây của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt kinh tế Triều Tiên, mặc dù là nước chịu tổn thất nhiều nhất về thương mại với láng giềng Đông Á này.
Phải chăng ông Trump chỉ đơn giản tìm cách hủy diệt Triều Tiên hay còn có động cơ nào khác?
Có lẽ, Washington thực sự không muốn gây chiến với Triều Tiên vào thời điểm này. Hậu quả của Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai sẽ vô cùng thảm khốc. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc có dân số 25 triệu người (bằng toàn bộ dân số CHDCND Triều Tiên) và nằm gần khu vực phi quân sự với Triều Tiên. Nếu xảy ra các cuộc tấn công pháo binh, chứ không nói gì đến tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, của Triều Tiên vào Seoul, con số người chết sẽ vô cùng lớn. Về mặt chính trị, Mỹ không thể cáng đáng nổi trách nhiệm khủng khiếp như vậy.
Điều đó dẫn đến câu hỏi: Tại sao ông Trump lại gây sự với Triều Tiên, nếu chiến tranh không phải là mục tiêu mà ông nhắm tới?
Hãng tin Associated Press cuối tuần tiết lộ rằng bất chấp những tuyên bố “đao to, búa lớn”, chính quyền Trump "đã âm thầm liên lạc ngoại giao với Bắc Triều Tiên trong mấy tháng qua”.
Nhưng nếu chính quyền của Tổng thống Trump vẫn giữ liên lạc với Bình Nhưỡng như tiết lộ của AP, sự bùng nổ bất ngờ trong “khẩu chiến” Mỹ-Triều Tiên đang che đậy điều gì?
Ai cũng biết quan điểm “giao dịch” của tỷ phú Tổng thống Donald Trump. Ông Trump nhìn nhận mọi thứ “thông qua ống kính lợi nhuận ròng”. Có lẽ, vị tỷ phú trở thành chính trị gia này không quan tâm đến việc liệu Triều Tiên có vũ khí hạt nhân hay không. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông đã khiến cho cả thế giới sửng sốt, khi đề nghị Nhật Bản và Hàn Quốc nên sở hữu vũ khí hạt nhân để tiết kiệm tiền cho nước Mỹ.
Điều khiến ông Trump bận tâm hơn bất cứ điều gì khác là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ở mức 350 tỷ USD. Để so sánh, Mỹ thâm hụt thương mại với toàn bộ Liên minh Châu Âu gần 150 tỷ USD. Tổng số thâm hụt thương mại của Mỹ (do nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) vào khoảng 740 tỷ USD. Đó là một thước đo mức độ ốm yếu của nền kinh tế Mỹ mà ông Trump đã dùng tất cả những khả năng kinh doanh của mình để sửa chữa.
Về mặt chính trị, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc - hay bất cứ nước nào khác như Đức và EU - chỉ vì các vấn đề kinh tế. Một cuộc chiến tranh thương mại vô nguyên cớ sẽ khiến Washington vi phạm các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Các biện pháp trừng phạt thương mại đơn phương của Washington chống lại các nước đối nghịch xem ra “lợi bất cập hại” đối với nước Mỹ.
Nhà báo Finian Cunningham kết luận: Bằng cách làm bùng lên cuộc khủng hoảng tên lửa-hạt nhân Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố đẩy Trung Quốc vào thế thủ vì cái tội không làm đủ để kiềm chế Triều Tiên. Bằng cách cáo buộc Trung Quốc tài trợ cho Triều Tiên, Nhà Trắng dường như đang sử dụng “công cụ đạo đức” để trừng phạt nền kinh tế Trung Quốc. Nếu những động thái trừng phạt đó khoét sâu khía cạnh Trung Quốc không hành động đủ để bảo vệ thế giới chống lại "sự tàn khốc hạt nhân của Triều Tiên", thì Tổng thống Donald Trump có thể tuyên bố rằng hành động trừng phạt Mỹ nhân danh “an ninh thế giới”.