Ở tuổi 59, nhưng ông Đặng Văn Hồng (người dân tộc Sán Dìu, xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã có thâm niên gần 40 năm với vai trò là Trưởng xóm. Năm 1986 (khi ông Hồng mới 22 tuổi) ông đã được bà con trong vùng tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Mặc dù khi đó tuổi đời còn khá trẻ, nhưng ông Hồng luôn mang trong mình tư duy nhanh nhạy, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Xưởng sản xuất gỗ ép, ván bóc của gia đình ông Đặng Văn Hồng, xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tạo việc làm cho gần trăm lao động tại địa phương. Clip: Hà Thanh
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hồng cho biết: Xóm Cầu Cong là một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn của xã Tân Khánh. Hiện xóm có tổng số 85 hộ dân với 398 nhân khẩu, trong đó có 81 hộ là người dân tộc Sán Dìu. Năm 2008, xóm Cầu Cong được nhà nước đưa vào danh sách xóm 135 của tỉnh Thái Nguyên.
Thời điểm những năm đầu 90, đời sống kinh tế của bà con trong vùng gặp rất nhiều khó khăn. Do đường sá đi lại vất vả, thậm chí nhiều hộ chưa có đường vào nhà để giao thương buôn bán, hơn nữa địa bàn này lại xa trung tâm xã nên việc phát triển kinh tế của bà con gặp rất nhiều trở ngại.
Năm 1991, khi Nhà nước có chương trình phát triển kinh tế đồi rừng thông qua dự án PAM (hỗ trợ các hộ nghèo trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc). Nhờ chương trình này, cuộc sống của bà con ở xóm Cầu Cong đã dần thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi đáng kể.
Ban đầu do nhiều hộ chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Ông Hồng là người tiên phong mang phân bón lên đồi bón cho cây. Sau khi thấy hiệu quả mang lại, ông đã phổ biến cho bà con cùng làm và áp dụng theo.
Đồng thời, ông còn phát triển cây giống để cung cấp cho bà con tại địa phương, vừa giúp giảm chi phí vừa tiết kiệm công sức đi lại. Cùng với đó, ông còn vận động bà con thay đổi cơ cấu giống từ những giống lúa có năng suất thấp sang gieo trồng giống mới cho năng suất chất lượng cao.
Những việc làm của ông dần mang lại niềm tin cho bà con vùng đồng bào dân tộc, rồi cứ thế ông được bà con tin tưởng, quý mến.
Nhờ trồng rừng và thay đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ đã có thu nhập khá, đời sống bớt khó khăn hơn. Hiện, xóm Cầu Cong có tổng diện tích 150ha rừng, trong đó gia đình ông Hồng có diện tích lớn nhất khoảng 17ha. Theo ông Hồng, với diện tích rừng hiện tại, cứ sau 8 năm sẽ mang về thu nhập khoảng 3 tỷ đồng cho gia đình ông.
Sau nhiều năm đi buôn gỗ tận Quảng Ninh, năm 2014, ông Hồng đã quyết định mua đất mở xưởng sản xuất gỗ ép, ván bóc để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập trung bình từ 7,5 – 12 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021, gia đình ông Hồng đã chính thức thành lập doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản. Hiện nay, một số sản phẩm từ gỗ ép của công ty ngoài tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Xóm Cầu Cong có tỷ lệ đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm gần 100% nên trình độ dân trí trước kia còn nhiều hạn chế. Nhiều hủ tục lạc hậu chưa được xoá bỏ đã khiến bà con nơi đây khó tiếp cận với cái mới. Từ khi giữ vai trò Trưởng xóm, ông Hồng đã tích cực vận động bà con xoá bỏ một số hủ tục không còn phù hợp như ma chay, cưới hỏi với nhiều thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian… Thay vào đó, bà con đã tiếp cận với những tư tưởng mới và dần dần thay đổi nhận thức.
Bên cạnh việc giúp bà con xoá bỏ hủ tục, ông Hồng còn vận động bà con giữ gìn và phát huy những nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu cho đến ngày nay như những làn điệu hát Soọng Cô, những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc. Bằng việc chi tiền để hỗ trợ bà con may trang phục của đồng bào mình, đến nay, các hộ gia đình dân tộc Sán Dìu trong xóm đều có ít nhất một bộ trang phục dân tộc truyền thống.
Ngoài ra, ấp ủ của ông Hồng trong thời gian tới, sẽ mở lớp dạy chữ viết cho người Sán Dìu để lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ con cháu mai sau.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Hồng là một trong những người có công đóng góp rất lớn. Không chỉ tham gia đóng góp sức người, sức của cho bà con trong vùng và một số địa bàn lân cận, ông còn tuyên truyền vận động bà con tham gia hiến đất làm đường để có con đường bê tông rộng và đẹp dẫn vào tận những lối cùng ngõ hẻm.
Theo ông Hồng, trước năm 2016, đường sá đi lại của bà con xóm Cầu Cong hết sức khó khăn. Từ khi được nhà nước quan tâm hỗ trợ xi măng, cùng với sự tham gia đóng góp, đối ứng của bà con, đến nay, toàn xóm đã bê tông hoá được trên 90% các tuyến đường trục chính của xóm với chiều dài hơn 3km, mặt đường rộng 3,5m.
Cũng từ đây đã giúp diện mạo nông thôn mới ở Cầu Cong có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều ngôi nhà khang trang nối tiếp mọc lên sau những cánh rừng xanh ngút ngàn. Thu nhập của bà con trong vùng không ngừng được nâng lên, nhờ đó đời sống văn hoá tinh thần cũng ngày càng được cải thiện.
Với những đóng góp của mình, ông Hồng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp, ngành liên quan và nhiều năm nay được bầu là người uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, ông Hồng vinh dự là một trong những đại biểu đại diện của tỉnh Thái Nguyên tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 tại Hà Nội và nhận được bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc…
Ông Nguyễn Văn Hoà – Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Bình cho biết: Những năm gần đây, huyện Phú Bình có 24 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Vai trò của người uy tín trong những năm vừa qua đã được phát huy rõ rệt, đặc biệt trong phong trào vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, những người uy tín còn tham gia phát triển kinh tế hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều đồng bào dân tộc tại địa phương, điển hình là ông Đặng Văn Hồng, Trưởng xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Hồng đã có nhiều đóng góp cho địa phương như xây dựng kế hoạch làm kênh mương, làm đường. Đặc biệt, trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Hồng luôn là người gương mẫu đi đầu cũng như luôn đặt lợi ích chung lên trên, bởi vậy trong các chương trình đều được bà con đồng tình ủng hộ.