Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận ròng của Petrolimex (PLX) đạt mức 2,812 tỷ VNĐ, tăng 94% so với mức nền thấp năm 2022, chủ yếu nhờ thương vụ thoái vốn khỏi PGBank.
Bước sang Q1/2024, PLX ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận ròng đạt 1.073 tỷ đồng, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 67,4% so với quý trước. Doanh thu tăng 11,4% nhờ sản lượng xuất bán tăng tốt trong bối cảnh một số đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối bị thu hồi giấy phép hoạt động.
KQKD Q1/2024 của Petrolimex |
Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện 0.9 điểm phần trăm do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại, trong khi việc nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào bảo dưỡng đã được dự tính trước, giảm nhập khẩu xăng dầu. Lợi nhuận ròng được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh chính, giá bán xăng dầu tăng nhẹ, sản lượng tăng trưởng tốt và nhu cầu nội địa ổn định.
Theo Chứng khoán MB (MBS), thị trường xăng dầu nội địa Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam gia tăng thị phần 0,3% - 0,5% nhờ việc một số nhà cung cấp nhỏ vi phạm pháp lý bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Dự báo tổng sản lượng xăng dầu của PLX sẽ tăng trưởng 4,1% và 2,6% trong hai năm 2024 và 2025. Biên lợi nhuận gộp năm 2024 dự kiến tăng 0,1 điểm cơ bản so với 2023 do chủ động nguồn cung khi nhà máy lọc dầu Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ.
Ngoài ra, việc sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu được kỳ vọng sẽ tạo môi trường pháp lý minh bạch hơn cho hoạt động của PLX. Nhờ những yếu tố tích cực này, lợi nhuận ròng của PLX dự kiến tăng 16,4% trong năm 2024 và giảm 0,9% trong năm 2025.
MBS dự phóng tăng trưởng của PLX |
Kinh doanh của PLX có xu hướng phát triển khả quan trong giai đoạn 2024-2025 nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước vẫn còn dư địa tăng trưởng do dân số gia tăng, thu nhập bình quân đầu người cải thiện và lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều.
Giá dầu dự kiến ổn định ở mức cao do nguồn cung hạn chế, nhu cầu tăng và căng thẳng địa chính trị. Hoạt động kinh doanh xăng dầu của PLX được hỗ trợ bởi chính sách thuế bảo vệ môi trường xăng dầu duy trì ở mức thấp và Nghị định kinh doanh xăng dầu được sửa đổi với nhiều thay đổi tích cực.
Bên cạnh những điểm sáng, PLX cũng đối mặt với một số rủi ro tiềm ẩn. Việc sử dụng xe điện ngày càng phổ biến có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong dài hạn.
Thêm vào đó, ngành kinh doanh xăng dầu càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá cả và dịch vụ. PLX cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi thay đổi chính sách của chính phủ về giá xăng dầu, thuế và môi trường.
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được đánh giá cao bởi vị thế tài chính vững mạnh cùng chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hấp dẫn. Kỳ vọng tỷ suất cổ tức chi trả cho năm 2024 là 2.7%, mang lại lợi nhuận thu hút cho nhà đầu tư.
Về triển vọng tăng giá, dự phóng dựa trên hai phương pháp FCFF và P/E cho thấy giá trị hợp lý của cổ phiếu PLX tại thời điểm cuối năm 2024 là 43.800 đồng/cp, khả năng tăng giá 19.3% so với giá đóng cửa ngày 06/5/2024.
Việc định giá cổ phiếu PLX dựa trên P/E giai đoạn 2019 (17.8x) làm chuẩn cho P/E của PLX giai đoạn 2024-2025. Cơ sở cho điều chỉnh này là kỳ vọng giá dầu sẽ ổn định trong biên độ hẹp quanh 85 USD/thùng và chiết khấu 5% từ P/E 2019 (17.8x) xuống 17.0x để phản ánh rủi ro liên quan đến thị phần xe điện gia tăng trong tương lai.
Định giá P/E trung bình 5 năm của MBS với cổ phiếu PLX |
Với mức định giá này, MBS khuyến nghị KHẢ QUAN cho cổ phiếu PLX, đồng thời cho rằng cổ phiếu sẽ phù hợp hơn với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro ở mức trung bình. Tiềm năng sinh lời của cổ phiếu PLX ở mức 22.0% bao gồm cả tỷ suất cổ tức.