PGBank sẽ về "chung nhà" với HDBank?
Câu chuyện đưa PGBank về "chung nhà" với HDBank đang được nhà đầu tư khá quan tâm từ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức chấp thuận nguyên tắc.
Tuy nhiên, vấn đề nóng này sẽ không được đem ra thảo luận tại kỳ đại hội cổ đông sắp tới của HDBank.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank - HDB) vừa công bố một số tờ trình tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2019 sẽ diễn ra ngày 23.4 tới, tại TP.HCM. Nhiều vấn đề “nóng” được giới đầu tư quan tâm như kế hoạch kinh doanh năm 2019, việc sáp nhập với PGBank… đều không được ngân hàng này đề cập trong tài liệu gửi cổ đông.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của HDBank, lãnh đạo ngân hàng bất ngờ thông báo về việc sẽ sáp nhập với PGBank. Thậm chí, phương án sáp nhập cũng đã được cổ đông của hai ngân hàng thông qua. Cụ thể, tỷ lệ hoán đổi dự kiến sẽ là một cổ phiếu PGBank lấy 0.621 cổ phiếu HDBank. Cổ đông lớn nhất của PGBank hiện là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 120 triệu cổ phiếu.
Phía HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã từng phấn khởi trước một tương lai tốt đẹp. Về phương án sau sáp nhập, ngân hàng này sẽ có quy mô vốn điều lệ đạt 15.345 tỉ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính... Kỳ vọng sau thương vụ sáp nhập, HDBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu ở mảng bán lẻ và tiêu dùng ở Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận nguyên tắc về việc sáp nhập PGBank vào HDBank. Theo như kế hoạch đề ra, việc bàn giao, sáp nhập sẽ được hoàn tất trong tháng 8.2018.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay mọi thông tin về việc sáp nhập không còn được đề cập nhiều. Đặc biệt trong tài liệu HDBank công bố gửi cổ đông tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2019 mới đây cũng không có tờ trình nào đề cập đến việc sáp nhập.
Trong quá trình đợi sáp nhập với HDBank, quy mô của PGBank tăng trưởng chậm lại, tổng tài sản của PGBank tăng nhẹ 2,2% so với hồi đầu năm đạt 29.935 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng nhẹ 3% lên 21.829 tỉ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng cũng chỉ tăng nhẹ 2% đạt 23.345 tỉ đồng. Tuy tín dụng tăng nhẹ, ngân hàng vẫn có kết quả tăng trưởng lợi nhuận khá cao, đạt hơn 193 tỉ đồng, tăng 140% so với năm 2017.
Về phía HDBank, tại đại hội cổ đông 2019, những vấn đề sẽ được thảo luận đó là trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Bên cạnh đó, HDBank dự kiến phát hành 20% cổ phiếu thưởng tương đương 1.962 tỉ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần tích lũy được để tăng vốn điều lệ. Một tờ trình đáng chú ý nữa là việc trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT một số nội dung.
Tuy nhiên, cũng giống như thương vụ sáp nhập thông tin về kế hoạch kinh doanh của năm 2019, cũng như các thông tin về việc sáp nhập với PGBank không được ngân hàng này công bố.
Kết thúc năm 2018, tổng tài sản HDBank đạt 216.057 tỉ đồng, tăng 14,1%, trong đó dư nợ tín dụng đạt 186.722 tỉ đồng, tăng 17,8%. Dư nợ tín dụng không bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC đạt 129,624 tỉ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.005 tỉ đồng, tăng 65,7% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 3.202 tỉ đồng, tăng gần 64% so với năm trước. Tỷ lệ ROA và ROE ghi nhận 1,6% và 20,3%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay được khống chế ở mức 1,5%.