"Bố tôi qua đời vào lúc 20 giờ ngày 27-11 tại nhà riêng. Linh cữu sẽ được quàn tại chùa Xá Lợi vào ngày 28-11. Thông tin tang lễ hiện vẫn chưa có" – con trai PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá thông tin với Báo Người Lao Động vào lúc 22 giờ 40 phút cùng ngày.
PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá đã dành cả cuộc đời cho nền giáo dục nước nhà. Ông bị bệnh từ 5 năm qua; bạn bè, học trò hay lui tới thăm hỏi, động viên.
Bà Dương Thị Ngọc Diệp, vợ của PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá, từng chia sẻ bà vẫn thường trò chuyện, kể cho ông nghe về những người đã đến thăm, những chuyện vui buồn trong ngày. Ông không nói được nhưng vẫn có thể nghe và vui với những chuyện bà kể.
Vào tháng 9-2022, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng Nam Á đã đến thăm PGS-TS -NGƯT Trần Hữu Tá. Thay mặt chương trình, ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, gửi tặng gia đình tờ báo Người Lao Động có đăng bài viết "Được làm học trò của thầy Trần Hữu Tá" do tác giả Vu Gia thực hiện, tham gia cuộc thi viết "Người thầy kính yêu".
"Mong rằng, ở thời điểm thích hợp, cô sẽ đọc bài viết "Được làm học trò của thầy Trần Hữu Tá" để thầy nghe. Chương trình "Mai Vàng nhân ái" có phần quà hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ, giáo viên lớn tuổi để động viên, bày tỏ tình cảm thương yêu, kính trọng" - ông Bùi Thanh Liêm bày tỏ.
PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá sinh năm 1937 tại Hưng Yên, theo học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1956-1959. Ông từng là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, ông chuyển vào miền Nam.
PGS-TS Nguyễn Thành Thy, Phó trưởng Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết thầy Trần Hữu Tá có nhiều năm công tác tại trường trên cương vị trưởng khoa và giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn.
Thông tin trên website của Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết PGS-TS Trần Hữu Tá đã xuất bản 29 đầu sách cùng hơn 50 bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các báo.
Về sau, ông còn là hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM. Ông là chủ biên sách giáo khoa văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa văn lớp 12.
Trên Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2016, nhà báo Vĩnh Thắng có viết: Thầy Tá nói năng rất nhẹ nhàng, khéo léo - cái nhẹ nhàng ấy là do sự từng trải, sự lịch lãm, và cốt cách của thầy – cốt cách của một trí thức có "Nho phong, cổ phong" mà người thời nay đã bị mai một gần hết rồi.
Nói đến PGS-TS Trần Hữu Tá thì có rất nhiều điều để nói: đó là một nhà giáo đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp trồng người; đó là một trí thức có trách nhiệm với sự hưng vong của quốc gia, được nhiều cấp lãnh đạo hỏi ý kiến, nhưng cũng lắm thăng trầm; đó cũng là một nhà nghiên cứu phê bình văn học với nhiều công trình, bài viết sâu sắc, tài hoa…