Bác sĩ Thân Thái Phong đã kể lại những câu chuyện nghề như anh nói là để cười nhưng lại là để khóc. Vì chính những câu chuyện cười ấy mà bao bác sĩ tâm thần đã không trụ lại được với nghề, sinh viên không dám đăng ký vào khoa tâm thần học.
Bác sĩ Phong chia sẻ: “Nghề bác sĩ tâm thần phải dũng cảm mới làm được. Nhiều khi mình cũng phải “điên” để chữa được bệnh, nói chuyện bằng ngôn ngữ người điên để thâm nhập được vào thế giới của họ. Bệnh nhân bị tâm thần không bao giờ chịu nhận là mình có bệnh. Họ cũng là người người giấu bệnh giỏi nhất với những biểu hiện hoàn toàn như người bình thường.
Bác sĩ Phong kể: “Tôi lớn lên gần bệnh viện tâm thần T.Ư 1, rồi sau này làm việc tại đây tôi chứng kiến nhiều trường hợp cười ra nước mắt. Mỗi bệnh nhân khi lên cơn lại hành bác sĩ một kiểu chẳng ai giống ai cả.
Cách đây 1 năm ở bệnh viện có một bệnh nhân nữ ở Hưng Hà - Thái Bình. Bệnh nhân này còn trẻ, xinh lắm, tóc dài nhưng lại bị điên tình. Bệnh nhân này lúc bình thường hay tha thẩn, thong dong đi dạo trong khuôn viên viện, ai không biết thì không thể biết được cô này bị bệnh.
Nhiều bệnh nhân nam thấy cô ấy xinh cũng có vẻ thích nên rất chịu khó hái hoa tặng. Nhưng kỳ một nỗi, cô ấy chẳng để mắt đến anh nào cả mà chỉ thích các bác sĩ nam.
"Những câu chuyện nghề để cười nhưng lại là để khóc" - Bác sỹ Thân Thái Phong
Cứ mỗi lần bác sĩ thăm khám là cô ấy ỏn ẻn, cười cười nhìn đắm đuối lắm, những lúc lên cơn thì lao đến ôm chầm lấy, có khi hứng chí còn đưa tay vỗ mông bác sĩ bồm bộm. Nhiều bác sĩ trẻ bị ôm ngượng đỏ cả mặt, nhưng dần quen nên cũng có cách tránh được những pha bày tỏ tình cảm cuồng nhiệt của nữ bệnh nhân này”.
Một người bạn của tôi còn rất trẻ, anh ấy cũng là bác sĩ ở Viện sức khỏe tâm thần có lần kể lại dịp mùa hè năm 2011, anh ấy khám bệnh xong cho một cô bé là sinh viên trường Đại học ở Hà Nội.
Cô bé học rất giỏi nhưng vừa xong một năm học đầu tiên thì gia đình phát hiện có nhiều biểu hiện bất thường. Sau khi chẩn đoán ban đầu xong, biểu hiện của cô bé vẫn hoàn toàn bình thường. Nhưng khi anh ấy chỉ định cô bé đi thực hiện các xét nghiệm, trắc nghiệm tâm lý thì cô nhất định không chịu đi. Vì vậy anh buộc phải cùng mẹ bệnh nhân đưa bệnh nhân ra ngoài.
Vừa thấy anh ấy đứng dậy, bệnh nhân đó vụt bỏ chạy ra ngoài hành lang chỉ vào mặt bác sĩ phía sau lưng hét ầm ĩ: “Ôi bà con làng nước ơi, ông này ông ấy hại đời cháu, ông ấy phá nát cuộc đời cháu rồi… Các cô, các bác ơi, các cô các bác thương cháu với, cứu cháu với…”.
Gào khóc xong bệnh nhân lại bỏ chạy lên các tầng bệnh viện, chạy đến đâu là chỉ mặt bảo bác sĩ hại đời đến đó làm nhiều người hiểu nhầm nghi ngại nhìn bác sĩ như một tên bệnh hoạn.
Ở bệnh viện tâm thần hầu như các bệnh nhân đều rất lười tắm, vệ sinh thân thể nên các hộ lý, y tá phải tắm rửa, vệ sinh cho họ. Những lúc này là lúc dễ bị hành hung nhất.
Gội đầu cho bệnh nhân.
Tôi chứng kiến có lần anh y tá nam to khỏe cố gắng tắm cho một bệnh nhân. Đột nhiên bệnh nhân dùng tay đánh cả vào mặt đến chảy máu mũi, còn bị cắn phập vào cánh tay, lõm thịt chảy máu đầm đìa.
Nói thực việc bệnh nhân lên cơn nhảy lên cào mặt, cào tay, hành hung, đánh bác sĩ, hộ lý, y tá sứt da, chảy máu, thâm tím mặt mày luôn xảy ra như cơm bữa. Chưa nói tới những khi họ lên cơn, họ đập vỡ đèn tuýp, lấy mảnh vỡ làm hung khí, cá biệt có những trường hợp mài nhọn thìa ăn cơm, bàn chải đánh răng để đe dọa chúng tôi. Mỗi lần như thế chúng tôi phải sử dụng các liệu pháp tâm lí để thuyết phục trấn an bệnh nhân, nếu không được mới dùng biện pháp mạnh, dùng thuốc - BS Phong kể.
Với bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Nhiều khi các bác sĩ phải “giả ngây, giả ngô, điên điên khùng khùng” như người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng họ rồi mới mong có thể chữa được bệnh cho họ.
Thu Nguyên
BÀI ĐỌC NHIỀU