Độc thân và còn màng trinh là hai yêu cầu bắt buộc đối với những phụ nữ muốn gia nhập lực lượng cảnh sát Indonesia. Tuy nhiên, các nữ tân binh cảnh sát cảm thấy nhục nhã và tổn thương khi họ phải trải qua thủ tục kiểm tra trinh tiết.
Các cảnh sát nữ Indonesia cầu nguyện trong một thánh đường. Ảnh: Wall Street Journal. |
Năm 2010, Chuẩn tướng Sigit Sudarmanto, hồi đó là người chỉ huy cơ quan tổ chức lực lượng của cảnh sát quốc gia Indonesia, tuyên bố ông sẽ bỏ thủ tục kiểm tra trinh tiết. Tuy nhiên, hiện nay trang web tuyển dụng của cảnh sát quốc gia vẫn ghi rõ: "Ngoài kiểm tra sức khỏe và thể chất, phụ nữ muốn trở thành nữ cảnh sát phải kiểm tra trinh tiết".
8 phụ nữ từng ứng tuyển vào lực lượng cảnh sát tại 6 thành phố Indonesia đã kể cho các nhà bảo vệ nhân quyền những trải nghiệm tủi nhục và đau đớn khi họ đối mặt với thủ tục kiểm tra màng trinh. Một cô gái nói rằng cô chỉ mới 18 tuổi khi ứng tuyển vào lực lượng cảnh sát tại Bandung vào năm 2013. Cô chỉ biết phần "kiểm tra hai ngón" khi nhân viên y tế khám thể chất.
"Họ nói nếu chúng tôi không muốn thì chúng tôi có thể không tham gia. Song đa số chúng tôi chấp nhận. 20 ứng viên bước vào một căn phòng. Họ bảo chúng tôi nằm xuống. Một nữ nhân viên y tế kiểm tra trinh tiết bằng hai ngón tay. Tôi cảm thấy bẽ bàng và sợ. Hai người khác ngất vì căng thẳng quá mức", cô kể.
Một nữ cảnh sát 19 tuổi tiết lộ, cô trải qua khâu kiểm tra trinh tiết với 20 người khác ở Pekanbaru, Sumatra vào năm nay.
Sri Rumiati, một chuyên gia tâm lý của cảnh sát Indonesia, nói rằng bà đã phản đối thủ tục kiểm tra trinh tiết vào năm 2010, song các đồng nghiệp khác lại ủng hộ.
Một người phát ngôn của cảnh sát nói với Fairfax Media rằng cả nam giới và nữ giới đều phải chưa kết hôn nếu họ muốn trở thành cảnh sát. Sau khi phục vụ hai năm, họ có thể kết hôn.
Song vấn đề là nhân viên y tế chỉ kiểm tra trinh tiết của thí sinh nữ.
Nisha Varia, giám đốc phụ trách quyền phụ nữ của tổ chức Human Right Watch, nói rằng thủ tục kiểm tra trinh tiết của cảnh sát quốc gia Indonesia là hành vi phân biệt đối xử, có thể gây hại và xâm phạm nhân phẩm của nữ giới.
"Giới lãnh đạo cảnh sát ở thủ đô Jakarta nên bãi bỏ thủ tục ấy ngay lập tức, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng mọi đồn cảnh sát trên toàn quốc sẽ ngừng kiểm tra trinh tiết của các thí sinh", Nisha bình luận.