Chị L đau đớn kể lại những tháng ngày đẫm nước mắt của mình. Chị đã luôn mơ ước về một gia đình hạnh phúc. |
Tuy nhiên, chị không ngờ rằng anh ta lấy chị chỉ là sự toan tính. Sau hôn nhân, anh ta nằng nặc đòi ở rể dù gia đình cũng có nhà cửa đàng hoàng, rộng rãi.
Khi biết chị được bố mẹ đẻ cho 1 mảnh đất rộng trên mặt phố, anh ta ngỏ ý đòi bán. Nhưng ngày đó chị đang bầu bí và không đồng ý. Anh ta nghe thế thấy buồn, hụt hẫng vì toan tính không thành. Từ ngày vợ không đồng ý bán đất, chồng chị cáu bẳn, thay đổi hẳn thái độ với vợ, gia đình vợ.
Dạo mới cưới nhau, chồng chị ăn nên làm ra. Tiền đi làm cũng rủng rỉnh, nên ăn chơi, rượu chè suốt. Nhưng sau này khi không ai thuê nữa, không có tiền chi tiêu ông chồng thường nhiếc móc vợ. Thậm chí còn chửi chị là đàn bà ăn bám, đàn bà không biết làm ăn.
Lấy phải người chồng vũ phu, chị vẫn im lặng nín nhịn. Chị bị đánh, chị đau đớn nhưng không dám than nửa lời vì sĩ diện gia đình. Có những hôm mặt mày tím tái, mẹ chị hỏi, chị đành nói dối. Nhưng ai cũng biết chồng chị đánh. Cha mẹ chị thương con, nhưng trước mặt rể vẫn phải giả vờ không hay biết gì.
Một ngày, mẹ đẻ anh ta xúi giục con trai bằng cách mỉa mai cảnh sống “chó chui gầm chạn” nên anh ta bực mình bỏ về nhà nội.
Thời gian sau đó, chị theo chồng vào Sài Gòn làm ăn. Chồng chị bỏ hẳn nghề thợ khoan, đi làm phụ hồ. Dù thế, cuộc sống chẳng mấy khấm khá khi vừa mất tiền thuê trọ, vừa cho con gái đầu đi học. Khi những va chạm, mâu thuẫn kinh tế lên đỉnh điểm, anh ta lại tìm đến rượu và thường xuyên nhiếc móc chị.
Chị từ 50kg xuống còn 37 kg chỉ sau vài tháng vào Nam. Có lẽ, ám ảnh nhất, khổ cực nhất là lần chị bị chồng đánh phải chui xuống bàn, miệng cầu xin. Nhưng anh ta vẫn không ngừng tìm chị để giải tỏa sự bức xúc. Chị bỏ chạy sang hàng xóm, vẫn bị chồng lôi về.
Chị khóc suốt. Chị biết bởi anh ta không hài lòng về chị, anh ta chê chị là ả đàn bà nhặt ve chai, ả đàn bà đã qua một đời chồng…
Áp lực cuộc sống khiến chị gầy mòn, chị sinh con thứ 2. Bé chỉ nặng 1,3kg. Nhìn con, ôm con chị lại khóc. Chị không còn biết làm gì hơn là đổ lỗi cho số phận.
Kể tới đây chị gạt giọt nước mắt: “Con cái cũng là cái duyên, cái số. Đời mẹ khổ cực đẻ ra con cũng cực. Con nặng có 1,3kg nhưng bố nó cũng chẳng đái hoài gì. Bố nó vẫn đi sớm về muộn. Cứ về thấy mặt vợ là chửi, là mắng”.
Có hôm, anh ta ăn bữa cơm chẳng có gì, anh ta chửi mắng hất đổ mâm cơm. Tàn nhẫn hỡn anh ta còn lấy dầu hỏa đổ lên cơm để chị không được ăn. Chị nhìn thấy thế nước mắt cứ rơi xuống. Còn chồng chị vẫn chửi “Sao mày cho tao ăn cơm thế này hả?”.
Khi chị nói chị nghỉ làm, ở cữ chăm con lấy đâu ra tiền. Anh ta bực tức ném vỡ cái phích nước sôi pha sữa cho con. Còn đứa đầu thì ôm đầu nhìn bố chửi mẹ mà khóc. Cuộc sống cơ cực như vậy, nhưng chị vẫn không dám từ bỏ. Đêm đêm chỉ biết quay mặt vào tường mà khóc.
Tới đây, chị ngẫm ra cuộc đời người đàn bà như một canh bạc. Nếu may mắn lấy được người chồng tử tế thì có hạnh phúc, còn nếu lấy phải người chồng chẳng ra gì, không có tình yêu thương coi như tự mở lối cho mình vào địa ngục.
Những ngày sau đó, chị vẫn sống trong khổ cực. Con chị cũng vì thế mà bữa đói, bữa no. Chị cũng chẳng dám nằm cữ lâu mà phải lăn xả, đi mua đồng nát bát. Ngày qua ngày, các con chị cũng vì thế có thêm bữa cơm thịt
Khi vừa mới tìm lại được niềm tin, chị bỗng thấy sức khỏe mình sa sút. Chị ăn uống kém hơn, thậm chí thường hoa mắt chóng mắt. Đi kiểm tra mới hay chị bị suy thận nặng. Từ ngày đó, chị lại phải tốn thêm một khoản thuốc thang nữa, ông chồng càng hắt hủi ghét bỏ vợ hơn.
Có những bữa cơm, chị đang ăn bị chồng hất đổ ra giữa nhà. Không những không thương vợ nước mắt giàn dụa anh ta còn chửi “Đồ đàn bà không làm ra tiền mà ăn lắm”. Chưa kể, mẹ anh ta suốt ngày xúi giục con trai “Lấy phải cô vợ suốt ngày ốm đau, chẳng làm được tích sự gì”.
Chịu đựng chẳng được bao lâu, sau 6 năm theo chồng vào Nam chị quyết định dừng lại tất cả. Chị đau đớn bế đứa con nhỏ về Bắc. Còn anh ta chẳng níu kéo gì, vẫn dửng dưng mặc kệ.
Căn nhà mà chị L đang sống. |
Sức khỏe suy yếu, chị hồi hương trong nước mắt người thân. Bệnh nặng, không còn chút sức lực chị vẫn cố vì gia đình chị mong chị khỏe mạnh. Ai cũng động viên chị nên ra Bệnh viện Bạch Mai chạy thận.
Mới đầu, anh em mỗi người góp chút ít tiền để giúp chị. Những ngày sau đó, chị dần quen với cuộc sống nơi bệnh viện. Chị gửi con cho cậu em trai nuôi, con chị cũng từ đó có thêm được tình yêu thương của những người trong gia đình. Chị yên tâm lắm.
Để giảm bớt gánh nặng cho người thân, ngoài thời gian mỗi tuần chạy thận 3 buổi, chị đi làm thêm bán nước, bán hàng… để có tiền chi trả sinh hoạt cho cuộc sống nơi xóm trọ.
Chị kể: “Nơi đây toàn các anh chị em chạy thận lâu năm. Ai cũng khó khăn, hoàn cảnh nhưng vẫn động viên nhau cố gắng. Khi cuộc sống cùng cực mình mới hiểu ai yêu thương mình thật sự. Với tôi, có lẽ đây mới là gia đình thật sự”. Chị nói rồi ôm mặt khóc nức nở..